Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trăn trở của già làng A Bin

Huỳnh Đại - 07:34, 12/07/2022

Tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum già làng A Bin là một trong số ít nghệ nhân còn lại biết chỉnh, sửa chiêng. Bên cạnh đó, ông còn nỗ lực giữ gìn, phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả.

Già A Bin miệt mài chỉnh sửa những chiếc chiêng
Già A Bin miệt mài chỉnh sửa những chiếc chiêng

Nghề hiếm thầy, ít thợ

Trong một chuyến công tác tại tỉnh Kon Tum, được một lãnh đạo xã giới thiệu, chúng tôi đến thôn Plei Rơ Wăk, xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum để gặp già làng A Bin, dân tộc Ba Na, là một người am hiểu về cồng, chiêng và chỉnh sửa chiêng lâu năm. Khi chúng tôi bước vào nhà, thấy già vẫn đang miệt mài, gõ, đục chỉnh sửa những chiếc chiêng.

 Dù ngoài 80 tuổi nhưng già A Bin vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát.Thấy khách đến chơi, già thu dọn những đồ nghề trong bộ vật dụng chỉnh chiêng cất gọn vào trong tủ.

Già làng A Bin chia sẻ: từ khi còn nhỏ, già được tiếp xúc với chiêng, học hỏi tìm tòi cách đánh chiêng, được tham gia đội cồng chiêng của làng. Trong một lần giao lưu với các đội văn nghệ, có lần già đánh chiếc chiêng bị hư hỏng, phát ra những âm thanh rất khó nghe, lúc đó cảm giác già khó chịu lắm, nhiều đêm suy nghĩ phải làm cách nào để lấy lại được những tiếng chiêng rền vang như lúc ban đầu. 

"Lắng nghe và cảm nhận được nó, mãi tới năm 19 tuổi tôi mới bắt đầu theo học đánh chiêng và sửa cồng, chiêng. Sau nhiều năm sau học hỏi, mày mò, nghiên cứu, tôi đã chỉnh sửa chiêng thành thạo. Cứ mỗi lần có người nhờ chỉnh chiêng, dù ở gần hay xa thì tôi vẫn đến những nơi đó để chỉnh sửa giúp. Không chỉ riêng ở tỉnh mình mà còn đi các tỉnh lân cận như tỉnh Gia lai, Đắk Lắk,..", già A Bin chia sẻ. 

Già A Bin cho biết thêm, để chỉnh được chiêng, phải biết đánh chiêng thành thạo. Đôi tai phải thính để nghe và cảm nhận được tiếng chiêng để nhận ra âm nào bị lạc mà chỉnh, không chỉ “nắn giọng” chiêng cho hay, mà còn phải biết phục hồi âm chuẩn của nó. Hầu hết chỉnh sửa là những chiếc chiêng bị nứt, bể dẫn đến hư tiếng.

Là người sinh ra và lớn lên tại xã Đăk Năng, ông A Phiếu, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin về già A Bin bằng những lời lẽ kính trọng: già làng A Bin là người có tâm, có tình, có trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa ở địa phương. Ông chỉnh sửa chiêng rất giỏi và mình là người thường xuyên được nghe tiếng chiêng sau khi ông chỉnh sửa.

Bên cạnh đó, ông A Phiếu cũng đang lo lắng, trăn trở khi hiện nay, người ta chỉ dạy cách đánh chiêng chứ không có dạy cách chỉnh chiêng. Nay mai, người già mất đi, không biết lấy đâu ra người chỉnh chiêng giỏi để bà con còn đánh chiêng hay, chiêng chuẩn được nữa đây. 

Già Làng A Bin tỉ mỉ đan gùi truyền thống của dân tộc
Ngoài chỉnh chiêng, già làng A Bin còn là một thợ giỏi trong nghề đan lát

Tích cực giữ nghề truyền thống

Ngoài việc chỉnh chiêng, sửa chiêng giỏi, già làng A Bin còn là một trong những nghệ nhân luôn đau đáu giữ nghề truyền thống mây tre đan của đồng bào Ba Na. Các sản phẩm làm ra của già, ngoài phục vụ cho gia đình, nếu bà con trong vùng có nhu cầu mua thì già bán với giá phải chăng; Già bảo, mình làm cũng vì muốn giữ nghề truyền thống đã gắn bó bao đời với người Ba na.

Phía trước ngôi nhà của già làng A Bin, là khoảng hiên rộng rãi, và đây cũng là nơi để hàng ngày ông ngồi đan và phơi mây, tre. Nhiều sản phẩm như gùi, nia đang làm dang dở được ông xếp một bên, ngăn nắp gọn gàng.

Cầm trên tay chiếc gùi nhỏ đang làm dở, già làng A Bin chia sẻ: “Khi đan mây tre, tôi luôn làm với sự say mê và cẩn trọng. Dù làm việc gì tôi cũng rất tỉ mỉ từ dễ đến khó, đó cũng là bài học đầu tiên tôi được các già làng đi trước chỉ dạy khi mới bắt đầu học nghề”.

Theo lời kể của ông, từ khi còn bé, theo chân các già làng đi khắp các lễ hội lớn nhỏ, các buổi sinh hoạt cộng đồng tại thôn làng, ông đều bị cuốn hút bởi các nghệ nhân trong làng. Nhìn các nghệ nhân dệt thổ cẩm, đan mây tre, chơi nhạc cụ, ông luôn ao ước đến một ngày mình có được những khả năng đó. Cũng từ đó, ông luôn tranh thủ cơ hội tìm đến các nghệ nhân giỏi trong làng để học hỏi.

Bây giờ những người đam mê, có trách nhiệm với văn hóa dân tộc còn lại không nhiều; đó chính là trăn trở của già làng A Bin.


Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.