Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Trà Vinh: Phát huy tiềm năng, thế mạnh bản sắc văn hoá DTTS trong đời sống cộng đồng

Lê Vũ - 18:54, 31/07/2023

Trong những năm qua, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện tốt các chương trình, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá đặc trưng của đồng bào DTTS. Đặc biệt, việc thực hiện các chương trình MTQG, trong đó triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã hỗ trợ nguồn lực quan trọng và tiếp thêm động lực cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.

Các tiết mục văn nghệ phục vụ tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023, tạo sinh khí vui tươi lành mạnh, góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn.
Các tiết mục văn nghệ phục vụ tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023, tạo sinh khí vui tươi lành mạnh, góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn.

Duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ vùng đồng bào DTTS

Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều thành phần đồng bào DTTS cùng sinh sống (đông nhất là đồng bào Khmer, Hoa, Chăm) với những nét văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, tạo nên bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng. Các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của đồng bào DTTS diễn ra khá phổ biến và thường xuyên. 

Đặc biệt, toàn tỉnh có 370 cơ sở tôn giáo, trong đó có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, cũng chính là các trung tâm lưu giữ, truyền thừa các loại hình văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội…, tạo sinh khí vui tươi lành mạnh, góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn.

Em Nguyễn Nam Á, học sinh đang theo học lớp tiếng Khmer hè tại Chùa Ân Kol (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) chia sẻ: “Em rất thích đến lớp học, ở đây các sư, các thầy đều rất tận tình chỉ dạy chúng em. Ngoài được học tiếng nói, chữ viết Khmer, chúng em còn được hiểu biết thêm về phật pháp, văn hoá, âm nhạc…”

Các phong tục, tập quán tốt đẹp, lễ tết truyền thống của đồng bào các DTTS luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện tổ chức đúng theo tập tục truyền thống và quy định pháp luật hiện hành. Tiêu biểu là Lễ hội Ok Om Bok được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào ngày 25/8/2014; hằng năm tỉnh đều tổ chức lễ hội Ok Om Bok với quy mô lớn gắn với hoạt động văn hóa, thể thao, hội chợ triển lãm, xúc tiến đầu tư, thương mại, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến tham gia.

Đồng thời, hằng năm đều diễn ra các cuộc thi, liên hoan về nghệ thuật dân tộc trong các dịp tết cổ truyền, lễ hội của đồng bào DTTS như: Liên hoan nghệ thuật ca múa nhạc không chuyên; Liên hoan Văn nghệ Đội tuyên truyền lưu động; Liên hoan Đờn ca tài tử; Hội thi Tuyên truyền lưu động thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội…

Đặc biệt, toàn tỉnh có 112 đội dàn nhạc ngũ âm, 95 đội trống Chhay dam, 35 đội múa Chằn-Khỉ, trên 100 đội nhạc tân, 40 đội bóng chuyền, 08 đội ghe Ngo; 01 tờ báo và 02 nội san xuất bản bằng tiếng Khmer; 01 chương trình phát thanh và 01 chương trình truyền hình tiếng Khmer; 01 Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh; 01 Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer..., cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của đồng bào và du khách mỗi khi đến với Trà Vinh.

Em Nguyễn Nam Á cùng sư trụ trì Chùa Ân Kol sau giờ học tiếng Khmer
Em Nguyễn Nam Á cùng sư trụ trì Chùa Ân Kol sau giờ học tiếng Khmer

Anh Nguyễn Quốc Thịnh, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trước đây về Trà Vinh chủ yếu biết các món ăn đặc sản nổi tiếng, giờ đây có nhiều điểm tham quan mới về văn hoá rất ý nghĩa, đặc biệt là các dịp tết và lễ hội. Tôi đã có dịp tham gia Lễ hội Ok Om Bok rất vui và ý nghĩa…”

Trong đầu năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đã phối hợp UBND huyện Châu Thành tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Kompong Thmo (Chùa Lò Gạch), ấp Ba Se A, xã Lương Hoà, huyện Châu Thành và chùa Champa Bôrây (chùa Trốt Lích), khóm 5, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, nâng tổng số 55 di tích được xếp hạng (16 di tích cấp quốc gia và 37 di tích cấp tỉnh). 

Sở cũng đã phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích Quốc gia Côn Đảo tổ chức Khai mạc triển lãm chuyên đề “Côn Đảo - Trà Vinh” kết nối văn hoá và du lịch, tại nhà Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer.

Phát huy giá trị bản sắc văn hóa

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2021-2025, việc triển khai Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình MTQG 1719, tạo thêm nguồn lực quan trọng để Trà Vinh tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS. Qua đó, nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Thạch MuNi - Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh Trà Vinh cùng đội văn nghệ của đoàn nghệ thuật văn hoá Khmer tỉnh
Ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh (người mặc áo trắng đứng giữa) cùng đội văn nghệ của Đoàn nghệ thuật văn hoá Khmer tỉnh

Chia sẻ về các chương trình, dự án chính sách đầu tư, hỗ trợ văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống, văn hóa tinh thần của đồng bào các DTTS ở Trà Vinh, ông Thạch Mu Ni, Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: Hiện trên địa bàn toàn tỉnh  có 30 thiết chế văn hoá, thể thao ấp được đầu tư; 01 công trình văn hóa phi vật thể và 01 lễ hội được phục dựng, bảo tồn; 01 làng truyền thống phục vụ phát triển du lịch; 01 mô hình văn hóa truyền thống được xây dựng, câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian được thành lập; 01 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi được xây dựng. 

"Từ chủ trương đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy văn hóa dân tộc, cùng với phong trào thực hiện"Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở", hiện nay, số hộ được công nhận gia đình văn hóa đạt 95,67%; công nhận ấp, khóm văn hoá đạt 99,47%; 85/85 xã đạt chuẩn Văn hóa Nông thôn mới; 19/21 phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh;...”, ông Thạch Mu Ni thông tin thêm.

Có thể thấy, các phong tục tập quán tốt đẹp, lễ hội truyền thống, văn hoá, tín ngưỡng của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã và đang được duy trì tổ chức ngày càng tiến bộ, đậm đà bản sắc dân tộc. Khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống kinh tế của đồng bào ngày càng duy trì ổn định, phát triển.

"Có được những kết quả này, phải nhắc đến nguồn lực vô cùng quan trọng từ triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là việc triển khai hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình MTQG trong những năm gần đây", ông Thạch Mu Ni nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.