Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Trà Bồng (Quảng Ngãi): Trao sinh kế, chỉ cách thoát nghèo cho người dân

T.Nhân - 07:34, 28/03/2024

Không chỉ hỗ trợ cây, con giống để người dân nghèo có tư liệu sản xuất, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) còn phân công cơ quan, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%. Đây là giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững của huyện Trà Bồng giai đoạn 2022 – 2025.

Các cơ quan, đơn vị huyện Trà Bồng hỗ trợ con giống cho các hộ nghèo
Các cơ quan, đơn vị huyện Trà Bồng hỗ trợ con giống cho các hộ nghèo

Từ năm 2022, UBND huyện Trà Bồng ban hành Quyết định số 2545/QĐ-UBND về việc phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các thôn thuộc xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 30%). Việc phân công được thực hiện theo nguyên tắc, mỗi năm một cơ quan cấp huyện sẽ phối hợp với ít nhất một trường học trên địa bàn xã để cùng hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất một hộ dân thoát nghèo bền vững.

Từ chủ trương ý nghĩa này, các cơ quan, đơn vị đã cùng nhau tiếp sức cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện vươn lên. Để có kinh phí hỗ trợ người nghèo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan đã đã huy động hàng trăm triệu đồng hỗ trợ sinh kế thiết thực cho người dân. 

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ ý nghĩa như tư vấn, định hướng người dân cách làm ăn, tư vấn, giới thiệu việc làm cho những người nghèo, cận nghèo còn ở trong độ tuổi lao động...

Ông Đỗ Đình Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng chia sẻ: Hỗ trợ người dân thoát nghèo không phải là việc có thể làm trong một sớm một chiều, mà là cả một quá trình. Trong đó, việc khơi dậy ý chí thoát nghèo của người dân là quan trọng nhất. Vì vậy, huyện triển khai chương trình này để mỗi cán bộ, công chức, viên chức và mỗi người dân thấy được công tác giảm nghèo là việc làm thường xuyên, liên tục, cần sự chung tay của toàn xã hội. 

Từ những kết quả bước đầu trong thực hiện việc phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ người nghèo, huyện Trà Bồng đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2025, các cơ quan, đơn vị sẽ chung tay, giúp đỡ 390 hộ thoát nghèo bền vững.

Với mô hình một cơ quan cấp huyện phối hợp với một đơn vị trường học trên địa bàn xã cùng chính quyền địa phương khảo sát chọn một hộ nghèo để hỗ trợ, giúp thoát nghèo bền vững. Đến nay, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Trà Bồng được hỗ trợ giảm nghèo bằng nhiều hình thức như hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn việc làm. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đơn cử như hộ ông Hồ Văn Đà ở thôn Trà Lương, xã Hương Trà đã được 3 đơn vị là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Trà Bồng, Cơ quan Tổ chức - Nội vụ và Trường Mầm non Hương Trà nhận giúp đỡ thoát nghèo. Ông Đà cho biết: Tôi được các cơ quan, đơn vị hỗ trợ bò giống trị giá 15 triệu đồng. Ngoài ra, còn thường xuyên thăm hỏi và hướng dẫn kỹ thuật trong chăm sóc vật nuôi, sửa chữa chuồng nuôi, thuốc thú y, phòng chống dịch bệnh. Tôi rất mừng vì có phương tiện sản xuất, ổn định sinh kế.

Sau hơn 1 năm triển khai, toàn huyện Trà Bồng đã có 129 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã giúp 92 hộ ở 62 thôn trên địa bàn 12 xã của huyện thoát nghèo. Qua việc phân công cơ quan, đơn vị giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững giúp mỗi cán bộ, công chức ở các cơ quan, đơn vị nâng cao ý thức trách nhiệm, chia sẻ hỗ trợ người nghèo. Qua đánh giá, đây là cách làm hỗ trợ có địa chỉ, có trọng tâm, trọng điểm, từ đó góp phần giúp người nghèo có nguồn lực cùng các nguồn hỗ trợ khác để có thể thoát nghèo bền vững.

(Bài) Trà Bồng (Quảng Ngãi): Trao sinh kế, chỉ cách thoát nghèo cho người dân 1

Điều đáng ghi nhận là các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Trà Bồng được giao hỗ trợ người nghèo hết sức trách nhiệm. Không chỉ đơn thuần là hỗ trợ tiền bạc, mà cán bộ còn xắn tay áo, “cầm tay chỉ việc”, cùng làm với người dân để họ thoát nghèo bền vững.

Như câu chuyện thoát nghèo của gia đình chị Hồ Thị Hưu, hộ cận nghèo ở thôn Vàng, xã Trà Tây (Trà Bồng). Được biết, vào cuối năm 2022, sau khi làm việc với địa phương và khảo sát, thống nhất hỗ trợ cho hộ gia đình chị Hồ Thị Hưu, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện Trà Bồng và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tây đã huy động cán bộ, công chức, viên chức đóng góp 9 triệu đồng để mua con giống giúp đỡ người dân; Đồng thời, phân công cán bộ trực tiếp chỉ dạy cho chị Hưu cách làm chuồng trại và chăm sóc vật nuôi.

 “Từ 2 con heo giống ban đầu, nhờ có sự hướng dẫn của cán bộ, nay tôi đã phát triển được đàn heo hơn 10 con. Từ 10 con gà, 8 con vịt xiêm được hỗ trợ, tôi cũng đã phát triển được đàn gia cầm hang trăm con, giúp tôi có thu nhập ổn định”, chị Hưu phấn khởi cho hay.

Ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trà Bồng tâm sự: Để sự giúp đỡ đi vào thực chất, mang lại ý nghĩa thiết thực cho người dân, 3 cơ quan, đơn vị đã gặp gỡ, trao đổi với hộ dân và khảo sát điều kiện thực tế của gia đình. Từ đó, Trung tâm thống nhất hỗ trợ cây, con giống theo nhu cầu của mỗi hộ nghèo.

 Trung tâm phân công cán bộ kỹ thuật, thường xuyên đến nhà hướng dẫn người dân về kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trồng trọt và chăn nuôi. “Trao sinh kế chỉ là một phần, còn lại phải giúp các hộ dân thay đổi cách nghĩ, cách làm thì mới thoát nghèo bền vững được", ông Vinh chia sẻ thêm.

Theo ông Đỗ Đình Phương, việc hỗ trợ người dân không chỉ dừng lại ở hỗ trợ cây, con giống mà hộ nghèo phải biết tích lũy đầu tư, tái sản xuất và biết cách tiêu thụ sản phẩm làm ra; có như vậy việc thoát nghèo mới bền vững. Do vậy, huyện phấn đấu đến năm 2025, thông qua mô hình này sẽ giúp đỡ 390 hộ thoát nghèo bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.