Thực hiện Chương trình MTQG 1719, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện Nam Đông đã quyết liệt triển khai đồng bộ các dự án, Tiểu Dự án thành phần của Chương trình. Đến nay, hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có nhiều chuyển biến đáng kể.
Đến nay, tổng nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 đã huy động đầu tư trên địa bàn huyện Nam Đông đạt hơn 66 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi tăng lên 40,9 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm bình quân 5%/năm...
Ông Mai Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đông khẳng định: “Hiện nay, huyện đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tới đây sẽ tập trung quy hoạch vùng, trong đó xã Hương Sơn tập trung phát triển cây dứa, xã Hương Hòa phát triển cây cam. Huyện ủy cũng đã ban hành Nghị quyết về trồng quế nguyên liệu, vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng keo kém hiệu quả sang trồng quế. Một số vùng khác sẽ chuyển đổi qua trồng chuối, ổi, các loại cây có múi… để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn”.
Tại huyện A Lưới, với nhiều cách làm, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tập quán sản xuất của đồng bào DTTS, sau ba năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, diện mạo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 52,79% xuống còn 40,71%.
Tại xã Quảng Nhâm, địa phương có 98% dân số là đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu huyện A Lưới, với nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719, bộ mặt nông thôn, miền núi của xã đã có nhiều thay đổi. Nhờ các mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ, nuôi bò, heo, trồng cây dược liệu… đời sống kinh tế - xã hội của Nhân dân xã Quảng Nhâm đã có bước phát triển, người dân tự ý thức vươn lên thoát nghèo và làm giàu với mức thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 37 triệu đồng/năm.
Anh Hồ Văn Như, Trưởng thôn Pi Ây 1, xã Quảng Nhâm chia sẻ: “Được sự hỗ trợ từ Đề án chăn nuôi bò của huyện, gia đình mở rộng chăn nuôi bò để tăng thu nhập. Còn cây sâm thì gia đình tôi bắt đầu trồng từ năm 2022. Năm nay, cây sâm phát triển tốt cho hiệu quả kinh tế khá cao nên tổng thu nhập của gia đình tôi đạt hơn 200 triệu đồng. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng sâm để tăng hiệu quả kinh tế”.
Thời gian qua, huyện A Lưới đã đầu tư trên 1.100 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hỗ trợ nhà ở, đất ở, xây dựng các mô hình sinh kế… giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 góp phần giúp huyện có thể đạt mục tiêu thoát khỏi diện nghèo vào năm 2025. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo sinh kế cho bà con, hỗ trợ việc làm cho thanh niên. Đồng thời, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, tiếp tục tận dụng tối đa các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh, nguồn vận động và xã hội hóa để xóa hơn 1.000 nhà tạm cho hộ nghèo và hộ cận nghèo với quyết tâm cùng cả tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2025.
Theo Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, qua ba năm triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719, bộ mặt nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Từ đời sống, sinh hoạt hằng ngày đến đường giao thông đi lại giữa các thôn, bản, vùng đặc biệt khó khăn; các tuyến đường vào các khu sản xuất, giúp quá trình lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện đi lại cho người dân và các sản phẩm nông nghiệp đến được với các doanh nghiệp, tăng thu nhập trong Nhân dân. Cùng với nguồn vốn đầu tư phát triển, nguồn vốn phát triển sự nghiệp cũng đã và đang tạo ra nhiều sinh kế để đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 đúng tiến độ và đạt hiệu quả, tại cuộc làm việc mới đây với các địa phương thực hiện chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các địa phương cần rà soát, tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh phân bổ, cân đối nguồn vốn phân bổ giữa các nội dung thành phần, các địa phương theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu và khả năng giải ngân của từng sở, ngành, địa phương, trong đó, ưu tiên các xã, thôn khó khăn nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS còn gặp nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù.
“Cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, triển khai thực hiện các dự án quan trọng cũng như các nội dung hỗ trợ trực tiếp về nhà ở, chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, góp phần hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu về thu nhập bình quân, chỉ tiêu về giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất một cách bền vững tại vùng đồng bào DTTS và miền núi”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.