Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Tòng Thị Phóng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Hầu A Lềnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; Hoàng Quốc Khánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La; Cao Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc; cùng đông đảo du khách, Nhân dân trong và ngoài tỉnh Sơn La.
Phát biểu khai mạc Ngày hội, Bí thư Huyện ủy Mường La Vũ Đức Thuận nhấn mạnh: Nhằm tôn vinh nét đẹp của hoa Sơn Tra, tôn vinh cảnh sắc hoa Sơn Tra với trên 2.000 ha thuộc bản Nặm Nghẹp, xã Ngọc Chiến và các xã Chiềng Công, Chiềng Ân, Chiềng Muôn, Hua Trai huyện Mường La và 4.900 ha thuộc các xã Nậm Khắt, Nậm Có, Lao Chải, La Pán Tẩn của huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), gắn với nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân và du khách, huyện Mường La, tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với các huyện trong vùng liên kết, hợp tác tổ chức Ngày hội hoa Sơn Tra năm 2023.
Ngày hội còn là dịp để tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Mường La; quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và những tiềm năng du lịch của Mường La nói riêng, huyện Mù Cang Chải và các huyện trong vùng Tây Bắc nói chung đồng thời kết nối chuỗi du lịch Tây Bắc tới đông đảo người dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế.
Ngày hội hoa Sơn Tra tạo cơ hội để Mường La tăng cường, mở rộng, kết nối giao lưu với các huyện, tỉnh, thành phố, cộng đồng doanh nghiệp để cùng liên kết, khai thác du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La, tỉnh Yên Bái, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân cảm ơn những tình cảm quý báu, sự quan tâm sâu sắc, sự chia sẻ khó khăn của các Ủy ban của Quốc hội; Ủy ban Dân tộc; các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước, các nhà hảo tâm đã dành cho tỉnh Sơn La và tỉnh Yên Bái; đồng hành và chung tay cùng tỉnh Sơn La, Yên Bái sớm thực hiện một trong những mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La, tỉnh Yên Bái, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra...
Nhân dịp này, Ủy ban Dân tộc và tỉnh Đồng Nai trao tặng hai tỉnh Sơn La và tỉnh Yên Bái mỗi tỉnh 3 tỷ đồng để hỗ trợ xóa nhà tạm cho 60 hộ nghèo/tỉnh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng Quỹ Khuyến học cho huyện Mường La và huyện Mù Cang Chải mỗi huyện 50 triệu đồng; gia đình con, cháu, chắt Cụ Tòng Xương tặng "Gian hàng 0 đồng" để phục vụ Nhân dân trong dịp diễn ra Lễ hội.
Tại Lễ Khai mạc, đã diễn ra Chương trình nghệ thuật đặc sắc “Tiếng gọi mùa hoa Sơn Tra” được dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo người dân tham gia cổ vũ.
Ngày hội diễn ra trong 2 ngày 18-19/3, được tổ chức thành 2 khu vực với chuỗi các sự kiện văn hóa, thể thao và trải nghiệm ngắm hoa Sơn Tra. Tại huyện Mường La diễn ra các hoạt động trải nghiệm ngắm hoa Sơn Tra và thưởng thức các chương trình nghệ thuật, các sản phẩm nông nghiệp, văn hóa của cả 5 huyện Mường La, Bắc Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn. Tổ chức lễ Công bố quyết định công nhận cây di sản cho 7 cây có tuổi từ 300 - 1.000 tuổi trên địa bàn xã Ngọc Chiến và Phiên chợ 0 đồng; cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dân tộc. Tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái diễn ra các hoạt động dù lượn truyền thống; trải nghiệm ngắm hoa Sơn Tra và giao lưu văn hóa đặc sắc dân tộc Mông.
Sơn Tra là cây bản địa phân bố tự nhiên trong hệ sinh thái chân rừng Tây Bắc, sinh trưởng và phát triển tốt trên độ cao trên 800 m so với mặt nước biển; là cây thân gỗ nhỏ, có thân, tán, hoa, quả đều rất đẹp, bắt mắt nhiều du khách. Cây Sơn Tra có sức sống mãnh liệt, sau thảm họa cháy rừng, thảm họa băng tuyết năm 2015 tại tỉnh Sơn La, cây sống sót còn lại chỉ một vài loài cây, trong đó có cây Sơn Tra, chỉ rụng lá, không cháy, không chết.
Quả Sơn Tra là vị thuốc Đông y, chế biến thành trà, rượu. Quả Sơn Tra là món ăn chua, ăn gém của đồng bào DTTS, ngày nay rất nhiều người ưa thích, đặc biệt đối với phụ nữ. Từ một cây mọc tự nhiên ở các triền núi, giờ đây Sơn Tra đã trở thành cây trồng chính, cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào các dân tộc một số xã, bản của huyện Mường La; huyện Mù Cang Chải và một số huyện khác trong vùng.
Cây Sơn Tra không chỉ là một cây thuốc quý mà hiện nay đã trở thành cây trồng chủ lực trong trồng rừng ở vùng cao các huyện thuộc tỉnh Sơn La và tỉnh Yên Bái.