Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tộc người Kalash với những câu chuyện nơi dãy núi Hindu Kush

Duy Ly (biên dịch theo OutlookIndia) - 11:32, 21/09/2021

Nằm ẩn mình trên những ngọn đồi xa xôi ở phía Tây Bắc của Pakistan, dọc theo biên giới với Afghanistan là một cụm gồm ba ngôi làng của người Kalash. Tại đây, người dân bản địa vẫn đang cố gắng bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa của mình trước những thay đổi nhanh chóng của cuộc sống hiện đại .

Những người Kalash khiêu vũ tại Shandur, sân chơi polo cao nhất thế giới
Những người Kalash khiêu vũ tại Shandur, sân chơi polo cao nhất thế giới

Nguồn gốc với nhiều tranh cãi

Bộ lạc Kalash được cho là hậu duệ của những người lính của quân đội Alexander Đại đế, những người đã từng đặt chân đến đây vào năm 324 trước Công nguyên. Tuy nhiên, nhiều học giả phủ nhận câu chuyện, dù cuối cùng nó vẫn chưa được xác định, bằng cách nào mà những người này cùng với ngôn ngữ, cách ăn mặc và văn hóa tôn thờ thiên nhiên của họ - trái ngược rõ rệt với văn hóa Hồi giáo xung quanh - đã phát triển và tồn tại qua nhiều thế kỷ.

Tác giả người Anh Rudyard Kipling đã ám chỉ những người này, là "Kafiristan" trong cuốn sách “Người đàn ông sẽ trở thành vua” (xuất bản năm 1888) của ông. Theo một số học giả, chính câu chuyện của Kipling đã làm nảy sinh huyền thoại, rằng họ là hậu duệ của quân đội Alexander. Câu chuyện của Kipling đã được chuyển thể cho bộ phim cùng tên của đạo diễn John Huston và có sự tham gia của Sean Connery, Michael Caine, Saeed Jaffrey và Christopher Plummer trong vai Kipling (người kể chuyện ẩn danh).

Trong nhiều thế kỷ, người Kalash sống ở một vùng núi hẻo lánh, trải dài tiếp giáp Afghanistan và Pakistan. Theo các báo cáo, những người cư trú trong khu vực ngày nay, thuộc Afghanistan đã được chuyển đổi sang Hồi giáo và vùng đất của họ được đổi tên thành Nuristan, một tỉnh của Afghanistan. 

Tuy nhiên, những người Kalash sống trong khu vực này thuộc huyện Chitral, tỉnh Khyber - Pakhtunkhwa, Pakistan vẫn tiếp tục duy trì cuộc sống và gìn giữ di sản. Ngày nay, họ là nhóm dân tộc thiểu số nhỏ nhất của Pakistan (từ 3.000 - 4.000 người) và có thể được tìm thấy ở ba thung lũng: Bumburet, Rumbur và Birir. Ngôn ngữ Kalash được cho là một phần của nhóm Dardic thuộc chi ngữ Ấn - Arya.

Trước kia, người dân sống giản dị, chủ yếu dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Kiều mạch và các loại cây khác được trồng ở các thung lũng bên sông. Xung quanh vườn cây ăn trái cung cấp rất nhiều loại trái cây khác nhau. Sữa từ gia súc được sử dụng để làm bơ và pho mát. Rượu được làm từ nho. Thức ăn được nấu trên lò đốt củi. Họ theo một đức tin hướng về thiên nhiên, sau này một số nhà nghiên cứu, coi đó là hình thức thờ cúng linh vật. Trong khi những người khác lại tìm thấy những điểm tương đồng với các quan niệm của người Hindu cổ đại.

Người Kalash tuân theo các phong tục và nghi lễ xã hội khác nhau. Một trong số đó là phong tục đưa phụ nữ đang có kinh nguyệt, phụ nữ mang thai đến "Bashaleni" - một tòa nhà kiểu ký túc xá cách xa làng chính. Các nhà nghiên cứu văn hóa hiện đại coi đó như một hình thức áp bức. Nhưng theo những người Kalash, đó là vì phụ nữ đã phải xử lý khối lượng lớn công việc hàng ngày, thời gian ở Bashaleni là để cho họ có thể được nghỉ ngơi mà thôi.

Phụ nữ bộ tộc Kalash trong trang phục truyền thống tại lễ hội Joshi
Phụ nữ bộ tộc Kalash trong trang phục truyền thống tại lễ hội Joshi

Lo ngại trước sự xâm nhập của lối sống hiện đại

Nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của người Kalash vẫn tiếp tục được duy trì cho đến ngày nay. Tuy nhiên, đã bị ảnh hưởng ít nhiều bởi sự xâm nhập của lối sống hiện đại, khi những con đường liên tiếp được mở ra phục vụ việc đi lại cho các phương tiện giao thông giúp tiếp cận đến các ngôi làng một cách dễ dàng. Các cửa hàng cung cấp thịt, rau củ, các thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng khác… đã được mở trong các thung lũng. Ti vi, điện thoại di động, máy tính… ngày một phổ biến.

 Nam giới của cộng đồng Kalash, từ lâu đã sử dụng trang phục của Pakistan (shalwar kameez); Còn phụ nữ vẫn mặc trang phục truyền thống. Đó là một chiếc mũ đội đầu đầy màu sắc trên mái tóc được bện cầu kỳ, một chiếc áo choàng đen dài rộng đến thắt lưng và vô số hạt cườm trên vòng cổ.

Mặc dù, người Kalash và nền văn hóa của họ thay đổi khá chậm theo thời gian, nhưng những người cao tuổi vẫn lo lắng rằng, sự ra đời của lối sống hiện đại và sự tiếp cận của thế hệ trẻ với lối sống và giáo lý Hồi giáo (khi họ đi học tại trường đại học duy nhất ở Chitral), có khả năng mở ra nhiều thay đổi không thể đảo ngược. Mặc dù, việc cải đạo sang đạo Hồi không phải là chưa từng xảy ra, nhưng tỷ lệ này đã tăng lên trong thời gian gần đây. Theo các già làng, nơi này cũng đã chứng kiến ​​những tranh cãi về việc có hay không nhận viện trợ từ nước ngoài.

Du lịch cũng đã xâm nhập vào các làng Kalash. Khách du lịch thường đến vào mùa xuân và mùa hè để chiêm ngưỡng vẻ đẹp ngoạn mục của vùng đất này, cũng như về lối sống độc đáo của người Kalash. Những người dân trong làng cũng coi du lịch như một cách kiếm tiền và đã xây dựng lên các nhà nghỉ, khách sạn và các cửa hàng bán đồ thủ công địa phương. 

Một trong những dịp tốt nhất để đến thăm các ngôi làng Kalash là trong các lễ hội. Các lễ hội nổi tiếng bao gồm Joshi (hay Zoshi) vào tháng 5, Uchao vào tháng 8 và Choimus vào tháng 12. Các lễ hội thường gắn với các thời kỳ thu hoạch khác nhau với âm nhạc, khiêu vũ và tiệc tùng rực rỡ và sôi động.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.