Khẳng định vị thế
Những năm gần đây, nhất là năm 2023, thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tổng thể thì hòa bình nhưng cục bộ có chiến tranh; tổng thể thì hòa hoãn, cục bộ có căng thẳng;... Các thách thức an ninh phi truyền thống, thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, nguồn nước, an ninh mạng diễn biến phức tạp và khó lường.
Đặc biệt, nền kinh tế vẫn phục hồi rất chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19. Trong bối cảnh đó, câu hỏi lớn đặt ra với các nhà lãnh đạo của mỗi quốc gia trên thế giới là, cần phải làm gì để đưa các nước, các dân tộc và toàn thế giới vượt qua những thách thức này?
Câu trả lời của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định rõ tại phiên đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu” trong khuôn khổ Hội nghị Thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới diễn ra chiều 16/1/2024 (giờ Thụy Sĩ, tức tối cùng ngày giờ Việt Nam). Thủ tướng đã nhấn mạnh, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam liên tục bị tác động nặng nề bởi chiến tranh, bao vây, cấm vận. Tuy nhiên, Việt Nam đã gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai.
Với đường lối đó, Việt Nam đã và đang củng cố, tăng cường quan hệ với các cường quốc trên thế giới. Trước khi khép lại năm 2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3 của ông Tập Cận Bình và là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thực hiện riêng chuyến thăm một nước sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 9/2023, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trụ sở Trung ương Đảng. Sau hội đàm, hai bên cùng tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh quốc tế tiềm ẩn nhiều nhạy cảm, đan xen lợi ích, việc gìn giữ, củng cố, phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước được Việt Nam đặc biệt coi trọng. Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia; trong đó có 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Những thành tựu đó một lần nữa chứng minh rằng, chưa bao giờ đất nước ta có được tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu
Tiếp tục phát huy thế và lực mới của đất nước, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đúng đắn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các hoạt động đối ngoại trong năm 2023, nhất là đối ngoại cấp cao, đã diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục. Với hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn, hội nghị đa phương, vị thế, uy tín và tiếng nói của Việt Nam tiếp tục được khẳng định.
Một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân ái, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng in dấu đậm nét trong lòng bạn bè quốc tế. Trong năm 2023, giữa những ngày lạnh giá tháng 2 dương lịch, trong đống hoang tàn sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ có màu áo của đoàn công tác cứu nạn cứu hộ Việt Nam. Hay giữa mảnh đất Nam Sudan đầy bất ổn, những chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã và đang viết nên câu chuyện về vị thế Việt Nam…
Trong nỗ lực chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu, Việt Nam tích cực tham gia Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD). Tham gia Công ước từ năm 1982, Việt Nam đã 4 lần bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD. Tại khóa họp lần thứ 111 của Ủy ban Công ước CERD (diễn ra tháng 11/2023, tại Thụy Sỹ), Đoàn công tác Việt Nam do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông dẫn đầu, đã lần thứ 5 bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD.
Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD khẳng định, hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được xây dựng và hoàn thiện, đáp ứng về cơ bản quyền con người, trong đó có bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào DTTS. Việt Nam đã ban hành rất nhiều chương trình, chính sách triển khai thực hiện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ý chí vươn lên của đồng bào, hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS của Việt Nam đã giảm xuống còn khoảng 17,82% theo chuẩn nghèo đa chiều, giảm 3,2% so với năm 2022. Các chỉ số về phát triển con người cũng như mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đồng bào DTTS đã đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 diễn ra ngày 19/12/2023, công tác đối ngoại và ngoại giao từ sau Đại hội XIII đến nay, trong đó nổi bật là năm 2023, đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước. Những kết quả đó khẳng định nền đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc Việt Nam. Bản sắc đó dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và truyền thống ngoại giao hòa hiếu, nhân văn nhưng quật cường của dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa tư tưởng của thế giới, hoàn toàn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong năm 2023, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thu hút FDI tăng 14,8%, tiếp cận nhiều nguồn vốn mới có chất lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.”