Thành công của ngoại giao đa phươngTrước hết, có thể nói rằng, gần 250 sự kiện lớn nhỏ trong năm APEC Việt Nam và thành công của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã giúp 2 từ Việt Nam trở nên thân quen với cộng đồng quốc tế. Những sự kiện, những hội nghị, những hoạt động quảng bá cho năm APEC Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Bình, Hạ Long… không chỉ cho thấy những thành công của APEC mà còn là cơ hội quảng bá, giới thiệu hình ảnh một Việt Nam mới đến với bạn bè quốc tế.
Hình ảnh Thủ tướng Canada Justin Trudeau đi dạo trên phố, Thủ tướng Australia Turbull nếm thử món ăn Đà Nẵng, những nhận xét tích cực của bạn bè quốc tế về Việt Nam đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn, thân thiện. Và với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, những sáng kiến, hoạt động do Việt Nam đề xuất nhằm cụ thể hóa chủ đề của Năm APEC 2017 đã nhận được ủng hộ tích cực của các thành viên APEC. Những nội dung này phục vụ thiết thực cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong khu vực, đồng thời góp phần triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đến năm 2020.
Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 còn mang lại nhiều nguồn lực thiết thực phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, với tổng cộng 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng được ký kết, trị giá gần 20 tỷ USD, gấp gần 10 lần tổng giá trị các thỏa thuận được ký kết vào năm 2006.
Đối ngoại Việt Nam 2017Năm 2017, cũng là năm ASEAN kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng của ASEAN, mà còn là thời điểm quan trọng để thúc đẩy xây dựng cộng đồng, đoàn kết nội bộ, tăng cường kết nối, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh mới. Cùng với các thành viên của ASEAN, tại các hội nghị cấp cao ASEAN và lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN tại Manila, Philippines, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến tích cực chủ động đưa ASEAN tiến bước.
Với tất cả các hoạt động ngoại giao trọng tâm, sôi nổi trong năm 2017, Việt Nam luôn thể hiện một thông điệp mạnh mẽ đó là “Việt Nam luôn mong muốn làm bạn với tất cả các nước”.
Đánh giá về vai trò của Việt Nam, dư luận quốc tế cho rằng, Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực ASEAN nói riêng và châu Á nói chung. Trong buổi tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Australia đầu tháng 12/2017, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã khẳng định “Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Australia, bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ thực chất, hiệu quả và sâu sắc với Việt Nam trên các lĩnh vực tương lai”.
Đón 2018 nhiều thành côngNếu như năm 2017, Việt Nam đón nhận 2 tin vui: Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, Đại sứ Hoàng Tuấn Anh được bầu vào cương vị Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách an ninh chính trị và và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka, kiêm nhiệm Maldives, Phan Kiều Thu đã trúng cử chức danh Tổng Thư ký thứ 7 của Kế hoạch Colombo, thì năm 2018 được trông đợi là năm bản lề chuẩn bị cho những sự kiện quan trọng của đối ngoại Việt Nam những năm tiếp theo.
Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, ứng cử vị trí Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc vào năm 2020-2021 và tham gia đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Thành công của Năm APEC 2017 nói riêng và đối ngoại Việt Nam nói chung đã tạo khí thế mới cho hội nhập quốc tế, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Từ đó, phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mới vẻ vang của đất nước.
NHẬT QUANG