Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tình trạng vượt biên trái phép ở Tây Nguyên vẫn chưa có hồi kết: Những cánh chim lạc lối trở về (Bài 3)

Ngọc Thu - Lê Hường - 16:09, 26/05/2023

Tin theo lời dụ dỗ của các đối tượng xấu về một cuộc sống sung sướng nơi miền đất hứa, nhiều người đồng bào DTTS đã vượt biên trái phép sang Campuchia, Thái Lan, Canada để rồi vỡ mộng trở về trong hối hận. Họ nhận ra rằng không đâu bằng buôn làng mình.

Trở về sau những tháng ngày lưu lạc nơi xứ người, anh Siu Thuyn (xã Ia Ke, huyện Phú Thiện) đã tu chí làm ăn và có kinh tế vững vàng, làm giàu trên chính quê hương mình.
Trở về sau những tháng ngày lưu lạc nơi xứ người, anh Siu Thuyn (xã Ia Ke, huyện Phú Thiện) đã tu chí làm ăn và có kinh tế vững vàng, làm giàu trên chính quê hương mình.

Trở về trong cay đắng và hối hận

Những tưởng sẽ được các đối tượng đưa sang nước thứ 3 như Mỹ, Canada để sống cuộc sống giàu sang, sung sướng, nên nhiều người theo đối tượng xấu vượt biên đến Campuchia, Thái Lan chờ đợi, nhưng khi sống chui lủi nơi đất khách họ vỡ mộng, cay đắng tìm đường về.

Cuối năm 2022, ông Ksor Hay (SN 1963) trở về quê hương là làng Plei Plok, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện sau 4 năm sống chui lủi ở chính “thiên đường” mà các đối tượng xấu vẽ ra khi dụ dỗ vượt biên. Thấm thía nỗi thống khổ nơi đất khách, hối hận vì đã tin theo kẻ xấu, ông Ksor Hay bảo: Họ bảo là sang đến nước thứ 3 sẽ kiếm được rất nhiều tiền, nhưng đến nơi việc làm không có, phải đi nhặt rác, làm thợ xây kiếm từng đồng trang trải qua ngày. Chúng tôi thuê phòng trọ để ở, giấy tờ không có, làm gì cũng lo sợ bị người ta bắt giữ.

Từ Canada hồi hương đúng dịp Tết Quý Mão 2023, ông Kpă Bum (SN 1953) ở làng Djrông, xã A Dơk, huyện Đak Đoa chấm dứt những tháng ngày khốn khổ nơi xứ người.

Ông Kpă Bum bảo: Càng nghĩ càng thêm hối hận. Năm 2004, nghe theo lời dự dỗ của các đối tượng vượt biên sang Campuchia để đi nước thứ 3 với lời hứa sẽ có cuộc sống sung sướng. Đến nước Campuchia, họ đưa tôi vào sống trong trại tị nạn. Năm 2005, tôi được đưa sang Canada. Cứ nghĩ đến nước thứ 3 rồi thì sẽ được nhàn hạ, giàu sang như lời hứa ban đầu của các đối tượng, nhưng cũng không khá hơn là mấy. Chúng tôi phải tự tìm kiếm việc làm, sống nhờ ở nhà trọ của những người đã qua trước đó. Đến năm 2019, tôi được nhập quốc tịch Canada.

“Sau gần 20 năm lao động quần quật với đủ thứ nghề ở xứ người, tôi vẫn phải ở nhà thuê, tiền cũng không đủ để gửi về giúp đỡ gia đình. Nay được trở về với quê hương, gia đình sum vầy người thân, bà con trong làng như thế này, tôi hạnh phúc lắm rồi”, ông Kpă Bum nói.

Đứng lên sau lầm lỗi

Nghe lời kẻ xấu, cả 3 anh em nhà Siu Thuyn Plei Plok, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện bán hết số mì của gia đình, vay mượn thêm 40 triệu đồng để vượt biên sang Thái Lan.

Tình trạng vượt biên trái phép ở Tây Nguyên vẫn chưa có hồi kết
Lực lượng An ninh Công an huyện Phú Thiện tuyên truyền, vận động Nhân dân không tin, không nghe theo luận điệu lừa phỉnh, dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng xấu.

Ngày đi, Siu Thuyn nuôi hy vọng sẽ làm được nhiều tiền để có cuộc sống đầy đủ. Thế nhưng, vừa qua đến Thái Lan, được đưa đến những khu trọ tập trung, phải làm đủ việc để có tiền ăn uống tằn tiện, khổ cực. Nghỉ làm ngày nào thì ngày đó nhịn, ai cũng mong được về nhà nhưng không còn đồng nào trong túi. Chưa kể, nhập cư trái phép, cuộc sống của họ ở Thái Lan đầy bất trắc, nơm nớp lo sợ Cảnh sát Thái Lan và sự khốn khó, thiếu ăn… Vì không chịu cảnh sống trốn chạy nơi đất khách, 3 anh em Siu Thuyn đã liên lạc với người nhà, chính quyền địa phương để tìm cách đưa họ trở về quê hương.

Được Công an, chính quyền địa phương, già làng tuyên truyền, vận động, giải thích, giúp đỡ, anh Siu Thuyn hiểu ra âm mưu thủ đoạn của kẻ xấu.

Từ đó, anh Siu Thuyn chuyên tâm vào làm ăn, chăm lo ruộng rẫy, học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vậy, đến nay gia đình đã có trên 1ha lúa, 5 con bò, xe công nông… cuộc sống ổn định, bình yên bên buôn làng. Đặc biệt, Siu Thuyn còn tích cực cùng lực lượng Công an đi tuyên truyền bà con không nghe kẻ xấu vượt biên trái phép. Bởi hơn ai hết, sau chuyến đi Thái Lan, Siu Thuyn thực sự thấm chân lý “Có làm thì mới có ăn”.

“Dân làng mình đừng nghe người ta nói ra nước ngoài đi nước thứ 3 không làm cũng có ăn. Đâu ai cho không mình cái gì. Giờ đây, tôi đã nhận ra lầm lỗi của mình, quyết tâm làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Bây giờ cuộc sống của mình đã tốt đẹp, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Từ sai lầm của bản thân, tôi mong bà con các buôn làng chăm lo làm ăn, cố gắng phát triển kinh tế, đừng nghe lời xúi giục của kẻ xấu. Đừng mơ mộng giàu sang mà không chịu làm, phải chăm chỉ làm ăn thì mới có dư dả, cuộc sống sung túc”, anh Siu Thuyn tâm sự.

Những người từng nhẹ dạ cả tin nghe lời kẻ xấu để vượt biên đều nhận được sự bao dung của buôn làng và được chính quyền, đoàn thể quan tâm tạo điều kiện ổn định cuộc sống. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền với những chính sách phát triển kinh tế, mô hình thiết thực nâng cao đời sống.

Tin cùng chuyên mục
Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thì việc khai thác phát huy hiệu quả Dự án 7, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình..., đang được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An.