Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

“Tình không biên giới” bên dòng Nậm Núa

Nam Hương - 20:30, 30/01/2022

Hai bản cách nhau một quả đồi, nhưng lại cùng lớn lên, ăn chung, tắm chung dòng Nậm Núa, thức dậy cùng tiếng gà gáy sáng. Từ bao đời nay, người dân hai bản Pa Thơm (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và Na Luông (cụm Sốp Hùn, huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly, nước CHDCND Lào) coi nhau là anh em một nhà…

Một góc bản Pa Thơm bên dòng Nậm Núa
Một góc bản Pa Thơm bên dòng Nậm Núa

Tối lửa tắt đèn có nhau 

Kết thúc buổi làm việc với chúng tôi tại UBND xã Pa Thơm, Bí thư Đảng ủy xã, ông Lò Văn Hoàn nhận được điện thoại thông báo sắp chuyển hàng đến. Ông Hoàn nói như giải thích, là hàng của người dân bản Pa Thơm gom tiền mua gạo, mì tôm, mắm, muối…, nhờ Bộ đội Biên phòng chuyển sang hỗ trợ người dân ở bản bên kia (bản Na Luông). Khổ thế đấy! Dịch bệnh phức tạp bà con bên này cũng khó khăn nhưng bên ấy người ta còn khó hơn.

Theo lời ông Hoàn, hai bản chỉ cách nhau một quả đồi, nhưng lại cùng lớn lên, ăn chung, tắm chung dòng Nậm Núa, thức dậy cùng tiếng gà gáy sáng. Từ bao đời nay, người dân hai bản có mối quan hệ khăng khít. Bà con coi nhau là anh em một nhà. Mỗi khi bản bên này có chuyện vui hay buồn cũng đều thông báo với người dân bên kia để cùng chia sẻ, giúp đỡ.

Đặc biệt, kể từ khi hai bản chính thức làm lễ kết nghĩa, tình anh em càng thêm nghĩa nặng tình sâu. Việc đi lại giữa hai bản cũng trở nên thuận tiện hơn và người dân hay qua lại thăm nhau như những thành viên trong gia đình.

Có mặt trong buổi nhận hàng cứu trợ giúp người dân bản Na Luông, ông Toòng Văn Linh, Trưởng bản Pa Thơm bày tỏ: Đã là anh em một nhà thì bất kể việc lớn, việc bé của bản Na Luông cũng là chuyện của bản Pa Thơm mình. Thời điểm chưa bị dịch Covid-19, chưa bị hạn chế qua lại thăm nhau, thì hễ nhà nào có đám cưới, lên nhà mới hay đám ma thì mọi người đều sang thăm hỏi, giúp đỡ, chia sẻ vui buồn.

Mặc dù cuộc sống người dân hai bản còn nghèo khó, nhưng với tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”, bà con có gì quyên góp đó, hỗ trợ nhau mỗi khi khó khăn. Như chuyện gia đình chị Lò Thị Hay ở bản Na Luông (Lào) làm nhà, nhưng do gia đình nghèo khó, không đủ tiền làm. Biết được tin, bà con dân bản Pa Thơm cùng quyên góp, giúp đỡ, người thì giúp tiền, vật liệu, người thì góp công. Lần đó, gần 20 người ở Pa Thơm sang cùng với người dân Na Luông dựng nhà giúp chị Hay.

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Pa Thơm kiêm cầu nối đưa thư giúp người dân 2 nước trao đổi thông tin trong tình hình bị hạn chế xuất, nhập cảnh
Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Pa Thơm kiêm cầu nối đưa thư giúp người dân 2 nước trao đổi thông tin trong tình hình bị hạn chế xuất, nhập cảnh

Đoàn kết để cùng nhau phát triển

Những năm trước, không có dịch bệnh phức tạp, vào ngày truyền thống kết giao Nhân dân hai bản, thì ngôi nhà của ông Lò Văn Héo, nguyên Trưởng bản Pa Thơm - người có nhiều công sức gắn kết tình anh em giữa hai bản, là “đại bản doanh” để người dân hai bản hội họp mỗi khi có việc.

Nhớ lại những ngày đầu tuyên truyền, vận động Nhân dân thống nhất kết nghĩa với bản Na Luông, ông Héo nói: Khi có chủ trương kết nghĩa hai bản, bà con Pa Thơm vui mừng lắm. Chính ông cùng cán bộ biên phòng, Bí thư Chi bộ và Trưởng bản đóng vai là những nhà "ngoại giao" đứng ra thương thuyết với bản Na Luông. “Sau nhiều buổi đi lại "đàm đạo", ngày 6/6/2013, lễ kết nghĩa bản Pa Thơm và Na Luông được tiến hành, Nhân dân hai bản chính thức là “người một nhà”. Ngày tổ chức lễ kết nghĩa người dân hai bản đốt lửa trại, nhảy múa cả ngày đêm".

Kể từ đó, vào ngày Tết cơm mới (Tết khẩu hó) của người Lào ở bản Pa Thơm cũng luôn đông vui, nhộn nhịp hơn, bởi được đón thêm nhiều bạn bè, người thân từ bản Na Luông sang chung vui. Người góp thêm con gà, ít gạo nếp nương, chút hoa quả, cùng vui bên mâm cơm, say trong chén rượu nồng, chúc cho bà con bản Pa Thơm cả năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và đắm mình trong vòng xòe đoàn kết.

Ông Héo bảo, những cuộc gặp gỡ, giao lưu trong ngày lễ, Tết cổ truyền là dịp bà con trò chuyện “mách” cho nhau cách trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Chính quyền thì tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để người dân hai bên hiểu hơn về bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, vun đắp cho tình đoàn kết của đồng bào dân tộc hai bên biên giới.

Là cán bộ trẻ, tâm huyết gắn bó với miền biên viễn, Thượng úy Phạm Văn Minh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Pa Thơm luôn theo sát tình hình cơ sở, cũng như nắm bắt được giá trị, tầm quan trọng từ việc kết nghĩa anh em giữa hai bản đối với việc bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Thượng úy Phạm Văn Minh kể: Ngoài các hoạt động của địa phương, hằng năm, trong các chuyến về khám bệnh, cấp thuốc, Bộ đội Biên phòng còn tổ chức giao lưu văn nghệ với bà con ngay tại trụ sở Trạm Kiểm soát. Những dịp như vậy, bà con hai bên đều vui lắm. Mọi người không còn khoảng cách về địa lý hay quốc tịch, cùng hòa vào tiếng hát, điệu múa; cùng nhau say với múa điệu lăm – vông…”.

Đứng trên con dốc đầu bản Pa Thơm phóng tầm mắt qua dòng Nậm Núa, bên kia bản Na Luông hiện lên yên bình với những mái nhà đỏ tươi. Bên này nhiều gia đình người Lào bản Pa Thơm cũng đang tất bật sửa sang lại nhà cửa để kịp đón năm mới… Diện mạo nông thôn hai bản đã đổi thay; tình cảm người dân hai bên ngày càng đoàn kết. 

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.