Cụ thể, theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay cả nước có 72.296 người DTTS bị nhiễm Covid-19. Trong đó, khu vực Tây Nam bộ 6.416 ca, miền Trung - Tây Nguyên 20.542 ca, TP. Hồ Chí Minh - Đông Nam bộ 42.231 ca, các tỉnh phía Bắc 3.107 ca và có 94 ca là học sinh Trường Dự bị Đại học TP. Hồ Chí Minh.
Về công tác phòng, chống dịch của các địa phương: Khu vực Tây Nam bộ, kêu gọi các vị sư sãi, những Người có uy tín tại địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động người dân tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19 đúng quy định, nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; vận động các tổ chức, cơ sở tôn giáo trên địa bàn tổ chức hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo hướng dẫn của địa phương; đồng thời, kêu gọi, vận động các tầng lớp nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các nhà hảo tâm đóng góp hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn khu vực Tây Nam bộ đã chuẩn bị các điều kiện cụ thể sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh. Tuy nhiên, trong các ngày gần đây, khi học sinh đến trường học trực tiếp, nhiều địa phương đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng. Trong đó, ngày 28/2 tỉnh Cà Mau ghi nhận thêm 836 ca mắc nhưng có đến 172 trường hợp là giáo viên và học sinh. Đây cũng là số ca mắc Covid-19 đối với giáo viên và học sinh cao nhất kể từ khi Cà Mau cho học sinh các cấp đi học trở lại. Ngành Giáo dục tiếp tục phối hợp với Sở Y tế tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời tình hình học tập của học sinh sát với tình hình thực tế.
Trong tuần, số ca bệnh Covid -19 mới ở hầu hết địa phương trong khu vực TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ đều tăng cao. Một số địa phương như Bình Phước, Đồng Nai phải điều chỉnh kế hoạch học của học sinh từ trực tiếp sang học online cho một số khối lớp học. Các trường học tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương trong khu vực tổ chức dạy học trực tiếp tại trường. Bên cạnh đó một số khối lớp do có học sinh bị F0 nên phải tổ chức học trực tuyến, gây khó khăn trong công tác dạy và học nhất là vùng đồng bào DTTS.
Các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Tại các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh. Từ ngày 22 -28/2 ghi nhận tổng số có 57.709 ca nhiễm mới, trong khu vực lũy kế có 305.964 ca F0; trong tuần số ca nhiễm là người DTTS có 2.285 ca, lũ kế đến nay có 20.542 ca. Trong đó: tỉnh Đăk Lăk hơn 7.000 ca DTTS; Gia Lai 7.843 ca (chiếm 40,10%); Đăk Nông 5.807 ca (chiếm 35,23%). Theo báo cáo những ca F0 người DTTS nêu trên đều sinh sống địa bàn vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn, nhiều người thuộc diện hộ nghèo, khó khăn...
Khu vực các tỉnh vùng đồng bào DTTS miền núi phía Bắc dịch bùng phát mạnh. Hầu hết các tỉnh có số ca nhiễm tăng vọt, như Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn, Lào Cai, Lạng Sơn… Riêng tỉnh Hà Giang, theo báo cáo có 2.968 em học sinh, chủ yếu là học sinh mầm non (337 em), tiểu học (1.389 em), THCS (689 em) nhiễm Covid-19 ở các huyện vùng cao có đông đồng bào DTTS như Bắc Mê, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Quản Bạ, Vị Xuyên, Xín Mần, Quang Bình, Yên Minh…
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Ủy ban Dân tộc đề nghị Tiểu ban Dân vận có ý kiến với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chỉ đạo các địa phương: Tập trung quan tâm đến đối tượng học sinh vùng đồng bào DTTS và miền núi bảo đảm đến trường an toàn, vừa phòng chống dịch bệnh vừa bảo đảm chất lượng dạy và học.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt việc kinh doanh mặt hàng kit test và các sản phẩm thuốc điều trị Covid-19 trên thị trường, nhất là trên chợ online để bảo vệ người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các DTTS trong việc chăm sóc y tế và tự điều trị tại nhà, qua đó góp phần phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn./.