Với đồng bào dân tộc Sán Dìu, làn điệu Soọng cô đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Soọng cô của dân tộc Sán Dìu là làn điệu dân ca đặc sắc, được lưu giữ hàng trăm năm trong kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian, loại hình trình diễn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc đưa Soọng cô vào phục vụ khách du lịch là một hoạt động rất mới mẻ với cả nghệ nhân và du khách.
Để có được thành công trong Chương trình, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Sán Dìu đã cố gắng chọn ra những bài hát hay nhất, dễ hiểu nhất và tất cả các bài hát đều được dịch ra tiếng phổ thông ngay sau khi thể hiện. Về con người, Trung tâm cũng đã lựa chọn Câu lạc bộ (CLB) Soọng cô Trung Mầu, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), cơ cấu CLB có cả các nghệ nhân lớn tuổi và các bạn thanh, thiếu niên để có sự đa dạng, kế thừa trong biểu diễn. Từ đó, du khách bị thu hút bởi các tiết mục biểu diễn đan xen và mang đậm bản sắc dân tộc.
Nghệ nhân Trần Thị Nam, Chủ nhiệm CLB Soọng cô Trung Mầu chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi cùng các nghệ nhân đi hát cho khách du lịch nghe. Khi lời ca cất lên, điều phấn khởi là các đoàn khách rất thích thú lắng nghe, khiến người biểu diễn càng được động viên, khích lệ”.
Cảm nhận từ chương trình biểu diễn, chị Lan, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Khi xem các tiết mục biểu diễn Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu, tôi bị thu hút bởi các nghệ nhân Sán Dìu với bộ trang phục truyền thống rất đẹp, làn điệu Soọng cô nghe du dương mượt mà. Lúc đầu nghe không hiểu, về sau được dịch ra tiếng Việt thì hiểu và thích hơn. Đặc biệt, tôi ấn tượng nhất là các em nhỏ biểu diễn, các em ấy rất dễ thương và hát truyền cảm…”.
Có thể thấy, để làn điệu hát Soọng cô độc đáo của đồng bào Sán Dìu được bảo tồn và quảng bá sâu rộng đúng với những giá trị hiện có, thì việc đưa vào khai thác, phục vụ du lịch là một hướng đi đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, khi đưa Soọng cô vào biểu diễn khai thác du lịch không phải là không có những khó khăn. Theo bà Đỗ Thị Kim Thu, phụ trách chính của Lễ hội Văn hóa Sán Dìu, các tác phẩm hát Soọng cô có sức hấp dẫn lớn bởi âm hưởng thiết tha, đằm thắm, nhưng nếu biểu diễn liên tục theo lối truyền thống thì dễ gây nhàm chán.
Do đó, để khách du lịch yêu thích, các CLB cần kết hợp đưa thêm các loại hình nghệ thuật vào sân khấu như: Sân khấu hóa một số nghi lễ độc đáo có giá trị văn hóa cao của đồng bào Sán Dìu; bổ sung một số tiết mục nhạc cụ dân tộc cho phong phú; sáng tác làn điệu Soọng cô theo lời mới, dịch các bài hát Soọng cô ra tiếng phổ thông…
Đây là vấn đề rất cần các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư và định hướng tới các Nghệ nhân và các CLB Soọng cô.
Các tác phẩm hát Soọng cô có sức hấp dẫn lớn bởi âm hưởng thiết tha, đằm thắm, nhưng nếu biểu diễn liên tục theo lối truyền thống thì dễ gây nhàm chán.
Do đó, để khách du lịch yêu thích, các CLB cần kết hợp đưa thêm các loại hình nghệ thuật vào sân khấu như: Sân khấu hóa một số nghi lễ độc đáo có giá trị văn hóa cao của đồng bào Sán Dìu...”
Bà Đỗ Thị Kim Thu, phụ trách chính của Lễ hội Văn hóa Sán Dìu