Ông Hoàng Đại Túy, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh cho biết: Chương trình được thực hiện từ năm 2015, với đối tượng được vay vốn là những hộ đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định. Chương trình là một trong những giải pháp để giảm nghèo bền vững.
Từ năm 2015 đến nay, dư nợ của Chương trình đạt gần 70 tỷ đồng, với trên 1.300 hộ gia đình vay vốn để sản xuất kinh doanh. Từ năm 2019, Chương trình được nâng mức cho vay từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ. Thời hạn cho vay do Ngân hàng CSXH và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận, trên cơ sở chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng, nhưng không quá 5 năm. Lãi suất cho vay là 8,25%/năm.
Ông Hà Văn Bàng, xã Vĩnh Ninh cho hay, ông là thương binh, không làm được việc nặng nên đời sống gia đình rất khó khăn. Năm 2018, biết thông tin Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện có chủ trương cho hộ mới thoát nghèo vay vốn làm ăn, ông làm hồ sơ để được hỗ trợ vốn vay. Sau khi được vay 80 triệu đồng, ông Bàng đầu tư nuôi ong và bò, hiện nay đã có thu nhập ổn định.
Hay như ông Lê Hạnh ở thị trấn Quán Hàu, thành công với mô hình nuôi cá lồng trên sông. Được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay, trong đó thông qua chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của Phòng giao dịch, gia đình ông Hạnh đã vay 100 triệu đồng để mua sắm thuyền, ngư lưới cụ nuôi cá lồng trên sông. Hiện tại, gia đình ông không còn sống trong cảnh thiếu thốn như trước đây. Không chỉ có điều kiện cho con cái học hành, ông còn mua sắm thêm trang thiết bị để mở rộng quy mô các lồng cá.
“Nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo được xem là một trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa; nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là các hộ dân. Nguồn vốn này kịp thời “tiếp sức” cho các hộ mới thoát nghèo có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống”, ông Túy khẳng định.