Theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh, với nhiều địa phương trọng điểm như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng... du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm, thì thiệt hại hết sức nặng nề. Đến giữa tháng 10/2021, có hơn 90% doanh nghiệp du lịch ở miền Trung tạm dừng hoạt động, hơn 150.000 lao động trực tiếp ngành du lịch và hàng triệu lao động gián tiếp liên quan du lịch thiếu việc làm, giảm thu nhập. Nhóm ngành dịch vụ - du lịch liên tục sụt giảm mức tăng trưởng, các chỉ tiêu quan trọng như lượng khách lưu trú, doanh thu, kế hoạch quảng bá, xây dựng sản phẩm mới... đều tăng trưởng âm ở mức hai con số. Do lượng khách ít, doanh thu giảm nên các doanh nghiệp phải giảm số lượng lao động; nhiều lao động có tay nghề cũng chuyển hướng tìm các công việc mới khiến nhân lực ngành du lịch bị sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất của các cơ sở lưu trú, du lịch đều xuống cấp trầm trọng do không sử dụng trong thời gian dài.
Từ cuối tháng 9/2021, khi một số địa phương bắt đầu kiểm soát được dịch, số ca nhiễm giảm nhanh, các tỉnh, thành phố đều chủ động tìm hướng phục hồi kinh tế, trong đó, chú trọng triển khai phương án đón và phục vụ khách du lịch trong nước để từng bước khởi động và phục hồi du lịch, tạo sự lan tỏa đến các ngành khác như giao thông, công thương, bất động sản... đóng góp nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm. Đồng thời hạn chế nguy cơ mất cơ hội khai thác thị trường khách du lịch quốc tế so với các điểm đến trên thế giới bắt đầu mở rộng cửa để đón khách.
Tại Đà Nẵng, chính quyền thành phố tổ chức chương trình “đối thoại với doanh nghiệp”, trong đó, việc mở lại các đường bay, tàu hỏa, đường bộ... được coi là ưu tiên hàng đầu. Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết: Đà Nẵng có vai trò trung tâm của miền Trung - Tây Nguyên, là một trong những trung tâm du lịch của cả nước nên việc mở cửa, kết nối lại hoạt động du lịch là cần thiết sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh và bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Cùng với Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa và Lâm Đồng đều xây dựng phương án đón khách quốc tế, nội địa trong điều kiện bình thường mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhìn nhận, địa phương đã thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch Covid-19, các cơ sở lưu trú, các đơn vị lữ hành và vận chuyển cũng đã có kinh nghiệm trong công tác tổ chức đón khách Việt Nam nhập cảnh bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Thể hiện năng lực sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. Để từng bước khôi phục các hoạt động của ngành du lịch dịch vụ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng, điểm đến an toàn và hấp dẫn, mới đây, UBND tỉnh đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Quảng Nam đón khách du lịch quốc tế tiếp sau Phú Quốc (Kiên Giang).
Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Lâm Đồng cũng phối hợp xây dựng kế hoạch, phương án đón khách du lịch quốc tế khi Chính phủ cho phép mở đường bay quốc tế với các phương án phòng, chống dịch bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả. Trước mắt, việc đón khách nội địa sẽ chia thành ba giai đoạn, từ cuối tháng 10 bắt đầu đón khách du lịch tại chỗ là người dân địa phương, khách công vụ. Giai đoạn 2 từ tháng 11 triển khai mô hình “bong bóng du lịch” với một số tỉnh, thành phố ở miền Trung - Tây Nguyên và các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh để khai thác và trao đổi nguồn khách.
Đây là hình thức khách đi tour khép kín qua công ty lữ hành, có thể là tour nghỉ dưỡng, tour golf, tour nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí tại các địa điểm nổi tiếng như Phong Nha, động Thiên Đường (Quảng Bình), cố đô Huế và Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Bà Nà, Núi Thần Tài, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam). Khách đến mỗi địa phương hay qua nhiều địa phương đều phải theo một tour khép kín, hạn chế giao lưu, hạn chế tiếp xúc.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng, lãnh đạo tỉnh đang trình Chính phủ duyệt phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin” bằng các chuyến bay thuê bao (charter), bổ sung Khánh Hòa vào danh mục các địa phương được phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau; hỗ trợ địa phương trong việc mở các đường bay đến các thị trường du lịch tiềm năng khi đã kiểm soát được dịch. Khách quốc tế được đón đến Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, các khu lưu trú trên các đảo của Nha Trang. Khánh Hòa cũng kỳ vọng việc đón khách du lịch quốc tế sẽ được thực hiện vào cuối năm 2021, tập trung các thị trường có tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch Covid-19; trong đó, chú trọng khôi phục thị trường khách Nga, là một trong những thị trường trọng điểm của địa phương.
Với Lâm Đồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Viết Vân cho biết, chủ trương của tỉnh là bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương; kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng, chống dịch và phục hồi hoạt động ngành du lịch. Trước mắt ưu tiên đón khách nội địa ở các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh, đủ điều kiện đi lại theo quy định của Bộ Y tế. Lâm Đồng cũng đã cho phép các dịch vụ lưu trú, vui chơi, giải trí, làm đẹp... được mở cửa trở lại, nhưng hoạt động không quá 50% công suất, đồng thời hoạt động vận tải hành khách từ khu vực cấp 1, cấp 2 đến Lâm Đồng và phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Châu Mỹ, đại diện Công ty Oxalis đề nghị, cần tạo “hành lang xanh” giữa điểm đến của từng địa phương và điểm du lịch một số tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch trong cả nước. Đồng thời các bộ, ngành Trung ương cần sớm có hướng dẫn du lịch an toàn trong trạng thái bình thường mới và cho phép hoạt động các tour, tuyến khép kín, an toàn trong các khâu phòng, chống dịch. Ngay từ đầu tháng 10/2021, Công ty Oxalis đã xây dựng các tour khép kín (đón khách ở sân bay, lưu trú, đi tour và tiễn) du lịch trải nghiệm, khám phá tại hệ thống hang Tú Làn thuộc quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng để trình UBND tỉnh Quảng Bình xem xét, phê duyệt. Đây đều là các tour 2 - 3 ngày với nhóm khoảng 8 - 12 khách vừa an toàn, vừa mới lạ. Nhân viên phục vụ đều đã tiêm vắc-xin và xét nghiệm trước chuyến du lịch để bảo đảm yêu cầu an toàn phòng dịch.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng khẳng định: Cộng đồng doanh nghiệp du lịch miền trung - Tây Nguyên đã sẵn sàng cho việc mở cửa đón khách, các cơ sở lưu trú, dịch vụ vừa sửa chữa, nâng cấp, vừa xây dựng các kịch bản và phương án ứng phó với dịch bệnh theo từng cấp độ mà Chính phủ quy định. Dịch bệnh được khống chế thì nhu cầu đi du lịch của người dân là rất lớn. Các điểm du lịch sinh thái luôn được lựa chọn để vừa tránh nơi đông người vừa được thư thái với khung cảnh thiên nhiên sau nhiều ngày bị gò bó do giãn cách, mà đây lại chính là thế mạnh của du lịch miền Trung - Tây Nguyên.
Chủ trương mở cửa thí điểm đón khách là việc làm cần thiết lúc này để khôi phục lại kinh tế, tuy nhiên, để an toàn cho du khách và người dân địa phương, các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần quan tâm ưu tiên tiêm vắc-xin cho nhân viên, người lao động hoạt động trong ngành du lịch, dịch vụ và cả người dân vùng trọng điểm du lịch. Hy vọng, khi có “mạng lưới” vắc-xin bao phủ và thực hiện tốt 5K, du khách sẽ bớt e ngại khi sải chân, thưởng ngoạn các điểm du lịch nổi tiếng trong vùng./.