Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tiêu thụ sản phẩm đặc sản vùng miền gắn với du lịch chưa tìm được tiếng nói chung

Thúy Hồng - 10:23, 06/03/2023

Trong những năm gần đây, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã chú trọng thúc đẩy hoạt động tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch. Tuy vậy, mô hình liên kết này vẫn còn hạn chế do thiếu sự định hướng phát triển bài bản...

Nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa qua các hoạt động văn hóa - du lịch
Nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa qua các hoạt động văn hóa - du lịch

Kênh tiêu thụ hữu hiệu

Việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào DTTS và miền núi không chỉ qua các kênh phân phối lớn nhỏ trong nước, mà còn được tiêu thụ nhiều hơn qua các kênh thương mại điện tử. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn óa - du lịch.

Tại Tuyên Quang, địa phương này nằm giáp ranh giữa Đông Bắc và Tây Bắc, được thiên nhiên ưu đãi cho phát triển nông nghiệp hàng hóa. Các loại hàng hóa đặc sản như cam sành Hàm Yên, măng khô, thịt trâu gác bếp hay rượu ngô Na Hang… đã được người dân khắp cả nước biết đến.

Để phục vụ khách du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế bằng các sản phẩm thế mạnh của địa phương, Tuyên Quang đã chú trọng phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống phục vụ du lịch… nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang, đến nay, toàn tỉnh đã có 8 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với 128 sản phẩm OCOP được công nhận. Một số sản phẩm đã được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn, doanh thu và lợi nhuận tăng lên, như: Dịch vụ du lịch cộng đồng homestay tại huyện Lâm Bình; Chè Shan Tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá, rượu ngô Na Hang, bánh gai Chiêm Hoá, thịt trâu Hùng Mỹ, mật ong hương rừng, cá lăng, mì khô Thuật Yến (Tp. Tuyên Quang)…

Nói về hoạt động tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của địa phương, ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang đánh giá, thông qua các hoạt động văn hóa du lịch, khách du lịch là kênh tiêu thụ hữu ích giúp thúc đẩy tiêu thụ, cũng như giới thiệu được sản phẩm sản phẩm hàng hóa của bà con nông dân ở các xã vùng sâu, vùng xa đến với du khách thập phương. Đặc biệt, là các sản phẩm OCOP đặc trưng hiện nay đang có những chỉ dẫn địa lý như cam sành, bưởi hay chè Shan tuyết…. đang được khách hàng ưa chuộng và tin dùng.

Việc tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền gắn với phát triển du lịch đã mang lại kết quả tích cực
Việc tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền gắn với phát triển du lịch đã mang lại kết quả tích cực

Hay như tại Sơn La, để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với du lịch ở Sơn La, địa phương này đã tổ chức các lễ hội du lịch, các hoạt động du lịch kết hợp quảng bá những mặt hàng nông sản đặc trưng, tiêu biểu của địa phương đã được thực hiện có hiệu quả. Điển hình như: Ngày hội hái quả, hội chè cao nguyên, hội thi Hoa hậu Bò sữa (Mộc Châu); Ngày hội Xoài (Yên Châu); Mận (Mộc Châu); Nhãn (Sông Mã); Cà phê, cam (Mai Sơn)… Tại các sự kiện, du khách được tham gia các tour trải nghiệm tham quan vườn mận, đồi chè, hái xoài, nhãn, vườn cam... và thưởng thức trái cây ngay tại vườn. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, sự kết hợp giữa giữa nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa đó trong thời gian gần đây, đang có sự gắn kết khá rõ rệt.

Chưa phát huy hết tiềm năng

Nhờ kết hợp với du lịch, các địa phương đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Tuy vậy, theo các chuyên gia cũng có những khó khăn nhất định, như tập quán của bà con nông dân vẫn sản xuất theo tự phát, chưa có những sản phẩm thực sự tuân theo quy trình sản xuất. 

Ngoài ra, có những sản phẩm có sức tiêu thụ rất tốt, nhưng số lượng lại hạn chế; các sản phẩm vẫn còn hạn chế trong việc xây dựng những nhãn mác bao bì cho chuẩn, hoặc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho cụ thể.

Mặt khác đầu ra của sản phẩm, cũng như việc thực hiện các hoạt động thương mại gắn kết với quảng bá sản phẩm vùng miền chưa thực sự có hiệu quả, đa dạng và chuyên nghiệp. Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho rằng, thực tế sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch thuộc Chương trình OCOP, đã được một số địa phương đưa vào khai thác. Tuy nhiên, do định hướng phát triển bài bản và rõ ràng. Do đó, kết quả thực hiện chưa như mong muốn và cũng chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Mô hình phát triển du lịch gắn với tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng
Mô hình phát triển du lịch gắn với tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng

Các sản phẩm đặc trưng địa phương được công nhận đạt chuẩn OCOP được giới thiệu, quảng bá ở các điểm du lịch còn nhỏ lẻ. Công tác xúc tiến thương mại chưa thực hiện thường xuyên khiến nhiều sản phẩm đặc thù, thế mạnh chưa được quảng bá, giới thiệu đầy đủ, kịp thời tới khách du lịch...

Ông Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có khả năng tích hợp các giá trị từ kinh tế, văn hóa, xã hội, cảnh quan, môi trường sinh thái đến "bếp ăn". Các sản phẩm đặc trưng của địa phương, sẽ trở thành một phần thú vị trong các sản phẩm du lịch của mỗi chuyến đi và điểm đến của du khách.

Vì vậy, các địa phương cần hình thành kế hoạch rõ ràng về xây dựng thương hiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ để có được sự đầu tư bài bản, chuẩn hóa và bảo vệ thương hiệu trong quá trình phát triển và khai thác thương hiệu trong thời gian tới. Đồng thời, hình thành hệ thống dịch vụ khép kín từ giới thiệu, cung cấp sản phẩm theo hướng kinh tế tuần hoàn, hệ sinh thái bền vững trở thành các "đại sứ" chuyển tải những câu chuyện văn hóa, du lịch của địa phương.