116 chính sách vùng DTTS đang còn hiệu lực
Phát biểu về nhóm vấn đề được chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: Nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 DTTS, sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 458 huyện, 5.266 xã, trong đó có 1.928 xã, 3.973 thôn ở vùng đặc biệt khó khăn. Đảng, Nhà nước ta luôn xác định Đại đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư nguồn lực để phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi. Tuy vậy, hiện nay, vùng DTTS, miền núi vẫn là vùng chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp hơn 4 lần bình quân chung của cả nước; “thiên tai, dịch bệnh, thiếu việc làm, đói nghèo, lạc hậu” vẫn đang là thách thức lớn.
Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho Đảng, Chính phủ, quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, trong những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa 15 đến nay, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương tham mưu ban hành nhiều chính sách quan trọng (đã ban hành 39 chương trình, chính sách thể chế ở 55 văn bản. Hiện nay, còn 116 chính sách cho vùng kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và vùng DTTS đang còn hiệu lực). Bên cạnh những kết quả đạt được, trong hoạt động của mình, trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc nói chung, trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nói riêng cũng còn một số hạn chế, thiếu khuyết, cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đáp ứng sự mong đợi của đồng bào các dân tộc trong cả nước.
Day dứt vấn đề giảm nghèo vùng DTTSTại phiên chất vấn, nhiều đại biểu quan tâm chất vấn về giải pháp giảm nghèo bền vững; giải pháp xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian tới; giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc rất ít người; đầu tư hạ tầng, giao thông, nước sinh hoạt cho vùng sâu, vùng xa; phát triển giáo dục đào tạo vùng DTTS...
Trả lời về công tác giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, đây là vấn đề day dứt, trăn trở của nhiều cấp, ngành và chính bản thân Bộ trưởng, Chủ nhiệm. Số hộ nghèo DTTS chiếm trên 52%, thu nhập bình quân chỉ được 7-8 triệu đồng/người/năm, bằng 1/5 lần bình quân cả nước... Ủy ban Dân tộc là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc chịu trách nhiệm chính, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS.
Thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào DTTS, nhất là Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 (hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn hỗ trợ sản xuất...). Bộ trưởng, Chủ nhiệm kỳ vọng với chính sách như vậy có thể tháo gỡ được phần nào những khó khăn cho vùng DTTS. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách này cũng như nhiều chính sách khác thời gian gần đây còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Một phần do có sự chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ, chính sách có khoảng trống, hơn nữa những địa phương được thụ hưởng rất nghèo nên việc lồng ghép rất khó khăn. Tới đây, Ủy ban Dân tộc sẽ tham mưu giải quyết căn cơ để hỗ trợ cho đồng bào.
Về chính sách đối với DTTS rất ít người, Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết: đồng bào DTTS rất ít người sinh sống ở những vùng đặc biệt khó khăn, đời sống kinh tế-xã hội vô cùng thiếu thốn nên phải có chính sách đặc thù. Thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã tích cực tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách đối với DTTS rất ít người. Gần đây là Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 phê duyệt Đề án hỗ trợ các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025. Trước đó, đã có nhiều đề án chính sách hỗ trợ phát triển DTTS rất ít người. Hiện nay, các dân tộc này đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, ưu tiên.
Cần có nghiên cứu tầm quốc gia để xây dựng tổng thể chính sách dân tộc
Về xây dựng chính sách dân tộc, tổng thể chính sách đã bao phủ toàn bộ các vấn đề, tuy nhiên vẫn chưa đạt hiệu quả bởi có những chính sách ban hành chưa cân đối được nguồn lực đầu tư, một số chính sách thiết kế chưa phù hợp... Do vậy cần xây dựng một chương trình tổng thể, chỉ đạo quyết liệt, đầu tư thỏa đáng, có tiêu chí rõ ràng để phát triển đồng bào DTTS. Đặc biệt, cần chú trọng giải pháp “tăng cho vay, giảm cho không”. Triển khai “hỗ trợ có điều kiện”.
Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp chủ yếu về: Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông kết nối vùng DTTS với vùng phát triển; phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; tạo sinh kế, ổn định dân cư; hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho đồng bào; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường, tăng cường tuyên truyền vận động để đồng bào tự lực vươn lên; nghiên cứu tích hợp các chính sách để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, hiện nay, có 13 nhóm chính sách dân tộc phân công cho 14 bộ chủ trì. Các bộ có trách nhiệm đôn đốc, còn địa phương tập trung triển khai thực hiện. Do đó, việc thực hiện tốt hay chưa tốt có trách nhiệm của bộ nhưng vai trò chính là ở địa phương… Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến tha thiết đề nghị cần có nghiên cứu tầm quốc gia để xây dựng chính sách dân tộc tổng thể nhằm giải quyết cho đồng bào DTTS có đời sống tốt hơn. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm, nếu tích hợp được các chương trình đầu tư cho vùng DTTS, miền núi, có ban điều hành, theo dõi, đôn đốc thực hiện tổng thể thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh những vấn đề như trên, nhiều chính sách khác liên quan đến chính sách đối với vùng đồng bào Khmer; di dân tái định cư các công trình thủy điện vùng DTTS; quy hoạch, sắp xếp lại dân cư; chính sách pháp luật tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS; thiên tai lũ lụt vùng DTTS; phát triển giáo dục; giải quyết việc làm cho con em đồng bào DTTS; bảo tồn văn hóa các DTTS... đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến và các Bộ trưởng có liên quan, như: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn thêm về những vấn đề đã nêu.
Phát biểu giải trình thêm về các vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: phát triển vùng DTTS, miền núi vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định: Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đầu tư, phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi.