Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tiếp cận chuẩn nghèo đa chiều để giảm nghèo bền vững

PV - 14:57, 01/02/2018

Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg đã tạo ra sự thay đổi lớn về quan điểm giảm nghèo. Với cách tiếp cận này, người nghèo không chỉ nâng cao thu nhập mà còn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để thoát nghèo bền vững.

Động lực để thoát nghèo

Tết vừa qua, gia đình ông Khương Văn Trường, xóm Nà Roỏng, xã Minh Thanh, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) mua được chiếc ti vi để xem tình hình trong nước, thế giới. Gia đình ông đã được cấp ủy, chính quyền cơ sở công nhận thoát nghèo.

Nhờ chính sách cho vay vốn phát triển chăn nuôi , nhiều hộ dân xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng đã vươn lên thoát nghèo. Nhờ chính sách cho vay vốn phát triển chăn nuôi , nhiều hộ dân xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng đã vươn lên thoát nghèo.

 

Ông Trường vui vẻ: Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo, nhưng tôi chỉ hiểu là nghèo về thu nhập. Đến cuối năm 2015, khi các cán bộ đến điều tra và phân tích về cách tính hộ nghèo theo hướng đa chiều, tôi mới hiểu gia đình mình không chỉ nghèo về thu nhập mà còn thiếu hụt các dịch vụ xã hội khác, như: thông tin, nhà vệ sinh...

Sau khi xác định được cái nghèo của người dân, năm 2016, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể trong xóm đã tạo điều kiện giúp gia đình tôi được vay vốn ngân hàng để cho con trai mình đi lao động xuất khẩu. Sau vài tháng, con tôi đã có thu nhập và gửi về giúp gia đình đầu tư phát triển kinh tế. Đến cuối năm 2016, gia đình tôi đã mua được ti vi để nắm bắt thông tin, làm được nhà vệ sinh sạch sẽ. Sau khi rà soát lại, gia đình tôi đã được công nhận thoát nghèo.

Trước đây, theo tiêu chí cũ, hộ nghèo được xét theo tiêu chí đơn chiều (thu nhập). Vì vậy, nhiều hộ sau khi rà soát đã thoát nghèo nhưng vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: thông tin, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục... ở mức cơ bản.

Anh Nông Đặng Trâm, Trưởng xóm Lũng Hang, xã Cao Chương (Trà Lĩnh) cho biết: Nếu xét về kinh tế thì phần lớn các gia đình trong xóm cơ bản ổn định, vì được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi bò, lợn, gà nhưng nhà cửa vẫn tạm bợ, không đủ diện tích, thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh, thiếu nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; các điều kiện về học hành, chăm sóc y tế đều ở mức thấp. Vì vậy, khi xét theo tiêu chí đa chiều, năm 2016, cả xóm vẫn còn hơn 40% số hộ nghèo, chủ yếu là thiếu về nhà tiêu hợp vệ sinh.

Việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường theo hướng đa chiều giúp xác định đối tượng nghèo chính xác, cụ thể, không bỏ sót, bảo đảm công bằng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội. Qua đó hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng, giúp cơ quan chức năng chỉ đạo thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp. Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ được tiếp cận các dịch vụ xã hội, trình độ dân trí nâng lên.

Chất lượng cuộc sống được nâng lên

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Nông Văn Trường cho biết: Để hộ nghèo, cận nghèo trong huyện dần tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, huyện sẽ từng bước đầu tư toàn diện điện, đường, trường, trạm... từ các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn hỗ trợ từ các dự án, chương trình và tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức phiên chợ việc làm; tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề cho người lao động có nhu cầu học nghề; giới thiệu việc làm cho 56 người đi lao động ngoài tỉnh. Đồng thời huyện còn triển khai có hiệu quả các dự án hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, như: Mua thẻ bảo hiểm y tế năm 2016 cho 11.750 người DTTS, 18.226 người thuộc hộ nghèo, 966 đối tượng bảo trợ xã hội... Qua đó, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2016, toàn huyện giảm được gần 3% hộ nghèo.

Tuy nhiên, với việc tiếp cận và giảm nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều hiện nay là thách thức rất lớn đối với địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, thậm chí có xã tỷ lệ hộ nghèo ở mức trên 80%. Qua tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo phương thức tiếp cận đa chiều đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn tỉnh Cao Bằng chiếm 52,36%, trong đó, 52.409 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 42,5% (tăng gần ba lần so với chuẩn nghèo đơn chiều cuối năm 2015). Như vậy, nhiều hộ nghèo từng được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, nâng thu nhập bình quân đầu người lên trên chuẩn và đã thoát nghèo, nay lại tái nghèo do không đáp ứng các tiêu chí theo quy định mới.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Lãnh Xuân Huyên khẳng định: Với cách tiếp cận nghèo như vậy, năm 2016, tỉnh Cao Bằng thực hiện Chương trình giảm nghèo theo hướng căn cứ mức độ thiếu hụt nhu cầu cơ bản. Trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị phải lên phương án đầu tư, hỗ trợ, giảm dần chính sách cấp phát, cho không, mà chuyển sang hình thức cho vay, cho mượn theo cơ chế chính sách cụ thể, nhằm tạo ý thức cho người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo.

MINH HÒA - PHONG DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.