"Xác định xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, nhiều năm qua, huyện Quản Bạ luôn quan tâm, chú trọng tới công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho đồng bào DTTS. Từ đầu năm học 2023 - 2024, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Quản Bạ đã mở 04 lớp học với tổng số 80 học viên. Dự kiến trong năm học này, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện sẽ mở 04 lớp học với tổng số trên 90 học viên", ông Lê Trung Thành, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cho biết.
Giống như những buổi tối khác, đêm nay ánh đèn điện của lớp học xóa mù chữ lại sáng rực ở Nhà Văn hóa. Từ đây hướng mắt về các nẻo đường đi trong thôn, cũng đã thấy loáng thoáng ánh đèn pin đội đầu của người đi học chữ. Từng vạt sáng dài dập dềnh theo bước chân của người lên đường tới lớp mỗi lúc một nhiều hơn và mỗi lúc một sáng hơn, rõ hơn!
Tháng 5 năm 2023, lớp học xóa mù chữ của xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ được tổ chức tại thôn Lao Chải với 16 học viên. Học viên lớn tuổi nhất năm nay đã 58 tuổi, học viên ít tuổi nhất cũng đã 24 tuổi. Với 28 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực giáo dục tại địa phương, cô giáo Nguyễn Thị Thanh xung phong làm giáo viên chủ nhiệm.
Nhớ lại những ngày đầu lớp học được mở, cán bộ xã, thôn, cùng các thầy, cô giáo phải tất tả xuống từng nhà vận động. Nhiều người khăng khăng: Có tuổi rồi đi học ngại lắm! Thầy cô đành phải khéo léo, lớp chỉ mở buổi tối, đi học không gặp ai thì sẽ không ngại. Nhiều khi vào thế bí, các thầy cô nhờ luôn học sinh là con em của đồng bào đang học tập tại trường vận động chính phụ huynh, ông bà của mình ra lớp.
Trong lúc chờ học viên chuẩn bị dụng cụ học tập, cô giáo Nguyễn Thị Thanh kể, thôn Lao Chải, xã Tùng Vài có 52 hộ, với hơn 200 nhân khẩu. 100% là đồng bào dân tộc Mông, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.
Dù đã nhiều năm kinh nghiệm công tác nhưng đây là lần đầu tiên làm giáo viên chủ nhiệm lớp học xóa mù chữ, cô giáo Nguyễn Thị Thanh tâm sự: Có những học viên trong lớp là người thân cùng một gia đình. Như trường hợp của học viên Sùng Chẩn Sáng và Thào Thị Mỷ là vợ chồng, mỗi buổi lên lớp, chồng soi đèn đi trước, vợ cất bước theo sau.
Tại lớp học cũng có những học viên lớn tuổi, các con đều đi làm ăn xa đành phải gửi lại cháu cho ông bà, thế nên cũng có khi bà địu cháu đến lớp, cháu xem bà đánh vần. Cứ tới 7h tối là cả lớp bắt đầu học. Nhiều lần học viên đi làm nương rồi vào lớp học ngay, tan giờ học mới trở về nhà.
"Do đó, để thu hút học viên đến lớp và học viên tiếp thu bài học tốt, giáo viên phải linh hoạt các phương pháp dạy học, thường xuyên sử dụng tiếng đồng bào kết hợp tiếng phổ thông để đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ; xây dựng các học liệu, đồ dùng trực quan phù hợp với người học; gắn nội dung dạy học với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương", cô giáo Nguyễn Thị Thanh chia sẻ.
Học viên ham học, cô giáo nhiệt tình, trách nhiệm, thế nhưng do mùa Đông năm ngoái thời tiết khắc nghiệt quá nên lớp học cũng có khi bị gián đoạn. Dự kiến tháng 12 này, các học viên ở lớp xóa mù của Lao Chải sẽ hoàn thành học phần.
Lúc này, phía bục giảng, cô giáo Nguyễn Thị Thanh nắn nót từng dòng: “Tiếng nước mình”. Mở sách giáo khoa, học viên Sùng Chẩn Sáng năm nay đã 66 tuổi, với tay bật đèn pin đội đầu soi cho thật tỏ trang giấy rồi nheo nheo đuôi mắt, miệng lẩm nhẩm:
“Tiếng bố là dấu sắc/Có phải không bố ơi?/Cao như mây đỉnh núi/Bát ngát như trùng khơi/Tiếng mẹ là dấu nặng/Bập bẹ thuở đầu đời/Ngọt ngào như dòng sữa/Nuôi con lớn thành người”.
Ông Sáng đọc xong rồi suýt xoa: “Thơ hay quá, thích quá”.
Quay sang phía vợ cùng đi học, ông Sáng nói mà như reo, xem chừng trong lòng ông hân hoan nhiều lắm: “Thế mà tới giờ này mình mới biết đọc... Tiếc thật! Mấy chục năm rồi chẳng biết cái chữ, chẳng biết viết tên, có làm giấy tờ gì cũng ngại ngùng một hồi lâu mới dám cất lời xin cán bộ được cho điểm chỉ. Nhưng giờ khác rồi, biết rồi, đọc được và viết được tiếng nước mình rồi”.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ năm 2021- 2025 (Chương trình MTQG 1719) được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực tại tỉnh Hà Giang. Trong đó, ngành Giáo dục được giao thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 của Chương trình về “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS”.
Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều nghị quyết về nâng cao chất lượng giáo dục và các chế độ hỗ trợ học sinh bán trú, hỗ trợ mở các lớp phổ cập giáo dục xóa mù chữ vùng đặc biệt khó khăn. Cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo; ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, phổ cập giáo dục, với mong muốn "xóa mù chữ là để xóa nghèo".
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, Tiểu dự án 1- Dự án 5 giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh được đầu tư nâng cấp 213 phòng công vụ cho giáo viên; 619 phòng ở cho học sinh bán trú; 59 phòng quản lý học sinh bán trú; 76 phòng nhà ăn, nhà bếp; 82 nhà kho chứa lương thực; 68 công trình vệ sinh, nước sạch; 54 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 739 phòng học thông thường, phòng học bộ môn; 64 công trình phụ trợ; mở 890 lớp xóa mù chữ cho 26.700 người.
Tổng nguồn vốn thực hiện dự án là 740.364 triệu đồng, trong đó ngân sách T.Ư 705.108 triệu đồng, ngân sách địa phương 27.069 triệu đồng.