Nghệ nhân, nghệ sĩ đa tài
Cha của A Thút là một nghệ nhân về trình diễn cồng chiêng, đẽo thuyền độc mộc và hát kể sử thi, nên từ nhỏ A Thút đã được đắm mình trong không gian văn hoá của dân tộc.
Nghe và xem cha diễn tấu cồng chiêng, chế tác nhạc cụ, chỉnh chiêng; hay nghe mẹ hát dân ca là niềm vui của tuổi thơ A Thút.
Ông không chỉ học từ cha mà còn học từ bác ruột là A Thim những bài dân ca cổ, diễn tấu và chỉnh cồng chiêng trong những ngày không phải lên rẫy hay vào rừng. Đặc biệt, cồng chiêng đã thực sự cuốn hút ông từ những ngày ấu thơ.
Bộ chiêng cổ của bà ngoại đã giúp A Thút bắt những nhịp đầu tiên. Bất cứ khi nào trong buôn làng mình có lễ hội, A Thút đều háo hức tham gia, lân la bên những bộ cồng chiêng hay cùng với cha mẹ và bà con trong buôn chuẩn bị lễ hội.
Có năng khiếu bẩm sinh lại đam mê và chịu khó học hỏi, khi mới là chàng trai trẻ, A Thút không chỉ hát rất hay dân ca Ba-na mà còn biết diễn xướng hầu hết các loại nhạc cụ truyền thống của người Ba-na. Đặc biệt, A Thút còn thạo chỉnh chiêng, một công việc đòi hỏi kỹ năng thẩm âm tốt, phải thuộc những bản cồng chiêng cổ và đôi bàn tay khéo léo.
Trong giai đoạn khó khăn, mất mùa đói kém, nhiều buôn làng Tây Nguyên phải bán những bộ cồng chiêng quý để có lương thực đảm bảo đời sống.
Nghệ nhân A Thút chia sẻ: “Năm 1983, gia đình rơi vào tình cảnh túng bấn bởi năm đó cả làng bị mất mùa, những người trong gia tộc của mình đòi đem bộ chiêng ra bán. Tôi đã phản đối quyết liệt và quyết định đem tài sản lớn duy nhất của gia đình lúc bấy giờ là 3 con bò, bán đi mua lương thực, giữ lại bộ chiêng quý nên bây giờ mới còn đấy”.
Quảng bá tinh hoa dân tộcKhi đã trưởng thành, với vai trò là một Phó Chủ tịch xã (từ 1997-2013) và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ 2013-2016) xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, A Thút càng hiểu hơn những giá trị văn hóa truyền thống của người Ba-na trong xây dựng cuộc sống mới, trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Chứng kiến sự mai một từng ngày của bản sắc văn hóa dân tộc, sự thờ ơ của một bộ phận thế hệ trẻ với những giá trị này và sự vắng bóng dần của những nghệ nhân cao tuổi khiến ông trăn trở từng ngày.
Năm 1998, ông đã tham gia dự án dịch lại toàn bộ Sử thi Tây Nguyên của cha mình. Năm 2009 ông bắt đầu mở lớp truyền dạy miễn phí cồng chiêng và múa xoang cho lớp thanh niên trong làng, xã.
Năm 2007, ông vinh dự cùng cha mình, con trai A Thảo và 15 người con của làng Đăk Wơk tham gia Lễ hội Smithsonian 2007 với chủ đề “Mê Kông-Dòng sông kết nối các nền văn hóa” (từ ngày 22/6 - 8/7/2007) và sau đó cùng đoàn cồng chiêng đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới.
Tháng 7/2014, ông cùng 9 thành viên trong đội cồng chiêng của làng tham gia Liên hoan Gannat lần thứ 41 tại Pháp (2-29/7/2014).
Đội cồng chiêng và xoang của làng ông cũng đã nhiều lần ra Hà Nội, tham gia các hội nghị, hội thảo về bảo tồn bản sắc văn hóa và tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam để giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình với du khách Việt Nam và Quốc tế.
Mới đây, ông đã có quyết định nghỉ hưu nhưng với ông, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Ba-na là công việc gắn bó máu thịt, suốt cuộc đời không ngừng nghỉ...
LÊ SAN