Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Tỉ phú người Bru Vân Kiều Hồ Minh: Dám nợ... để làm giàu

Khánh Ngân - 16:32, 28/09/2021

Hồ Minh cho tôi cảm giác già hơn tuổi thật 30 của anh. Nước da ngăm đen, dáng người thanh mảnh và chất phác như những người Bru Vân Kiều trên đỉnh Trường Sơn mà tôi vẫn được gặp. Khác chăng là nét táo bạo trong làm ăn của Minh làm tôi nể phục.

Anh Hồ Minh chăm sóc đàn dê của gia đình
Anh Hồ Minh chăm sóc đàn dê của gia đình

Đi lên từ hai bàn tay trắng

Trường Xuân là xã miền núi của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảnh Bình, xã có 2.800 nhân khẩu thì có đến 26% là người Bru Vân Kiều. Những năm gần đây đời sống bà con nói chung và đồng bào Bru Vân Kiều nói riêng không ngừng được cải thiện.

Theo thông tin từ ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), hiện xã có hơn 70 mô hình kinh tế hộ gia đình làm ăn rất tốt, có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng… khiến chúng tôi cảm thấy vui lây với bà con Bru Vân Kiều trên đỉnh Trường Sơn.

Con đường cấp phối quanh co từ UBND xã đưa chúng tôi đến với mô hình gia trại của anh Hồ Minh ở bản Lâm Ninh, một hộ sản xuất giỏi của xã Trường Xuân.

Mộc mạc, chất phác như bản tính của người đồng bào,  khi nghe anh Hồ Minh kể về hành trình thoát nghèo vươn lên làm giàu của mình làm tôi nể phục.

Sau khi học hết lớp 9, Minh không học tiếp THPT mà vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân. Thế nhưng cuộc sống nơi thành thị, với đồng lương công nhân ít ỏi, làm bao nhiêu năm cũng chẳng tiết kiệm được là bao.

 Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Hồ Minh đi đến quyết định trở về quê lập nghiệp. Năm 2010, Minh đã về quê chăn nuôi và trồng keo trên đất gia đình để lại. Thời điểm “khởi nghiệp” đối với Minh là quãng thời gian cực kỳ khó khăn, trong tay vỏn vẹn có 400.000 đồng. Tuy nhiên, nhờ tính tình thật thà lại hay làm, đặc biệt là cách trình bày “khởi nghiệp” của Minh đầy tâm huyết, nên nhiều người thân, bạn bè cho mượn tiền làm vốn.

Ban đầu anh chỉ nuôi 5, 7 con dê và mua giống keo lai về trồng trên diện tích đất gia đình sẵn có. Nhờ chăm chỉ, lại có ít kinh nghiệm tích lũy trong quá trình mưu sinh ở TP. Hồ Chí Minh, nên mô hình kinh tế của Minh phát triển rất tốt.

Năm 2011, anh lại có cơ may được tiếp cận với nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngồn vốn “khởi nghiệp” của chàng trai Bru Vân Kiều lại tăng thêm. Anh dồn toàn bộ số vốn vay này để mua keo giống về tiếp tục trồng, lấy ngắn nuôi dài. Rừng keo của gia đình Minh đã trồng được 10ha, một con số không hề nhỏ.

Thời gian trôi đi, keo cũng đến kỳ thu hoạch, Minh cho biết tiền bán keo lứa đầu được 500 triệu đồng. Dê cũng đã phát triển thành đàn lên đến 30 con. Cuộc sống của gia đình bắt đầu dễ thở. Nói là dễ thở, chứ thực chất đó là cả một gia sản mà nhiều gia đình ở xã Trường Xuân mơ ước.

Trái với suy nghĩ và cách làm của nhiều người, khi có số tiền lớn từ bán keo thì mua sắm, tiêu xài. Minh lại quyết định gom vốn tích lũy tái đầu tư vào trồng tràm, mua đất đồi để mở rộng diện tích, tiếp tục phát triển kinh tế.

Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, Hồ Minh còn hướng dẫn đồng bào của mình cách trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, với người Bru Vân Kiều ở xã Trường Xuân, Hồ Minh là một tấm gương về tinh thần chịu khó, nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhờ siêng năng và khát khao vươn lên làm giàu, Hồ Minh đã tự xây dựng cho mình một mô hình kinh tế hộ gia đình ngày càng hoàn chỉnh, cho thu nhập cao
Nhờ siêng năng và khát khao vươn lên làm giàu, Hồ Minh đã tự xây dựng cho mình một mô hình kinh tế hộ gia đình ngày càng hoàn chỉnh, cho thu nhập cao

Tiếp tục nợ... để mở rộng quy mô kinh tế 

Sau bao nhiêu năm phiêu bạt để mưu sinh, Hồ Minh trở về quê bắt đầu xây dựng mô hình kinh tế trên ngay đồng đất quê hương, bước đầu có được thu nhập khá. Chính từ con dê, cây tràm đã làm cho cuộc sống gia đình Minh cải thiện hơn trước. 

Tuy nhiên, năm 2018, Hồ Minh đã có một quyết định táo bạo, đó là mua nợ trâu về để nuôi, mở rộng quy mô phát triển kinh tế gia đình. Biết tính, biết người, nên dân bản không ngại bán nợ cho Minh.

Khuôn mặt sạm đen, nở nụ cười tươi như để minh chứng cho quyết định mua nợ trâu của mình là đúng đắn, Minh phấn khởi: "Đàn trâu nhờ có chỗ chăn thả, lại được cho ăn thêm, phòng trừ dịch bệnh đầy đủ, nên phát triển rất tốt. Chỉ sau 1 năm, đã có nhiều con sinh sản, phát triển đàn".

Hiện nay gia đình Minh có 20 con trâu, mỗi năm cho xuất chuồng 5 - 7 con trâu con, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Có nguồn tiền dư giả, Minh thuê máy múc về đào ao thả cá. Mô hình gia trại của Hồ Minh ở bản Lâm Ninh ngày càng hoàn thiện.

Trầm ngâm hồi lâu, như để hồi tưởng lại những ngày đầu “khởi nghiệp” vất vả đủ đường, Hồ Minh thở phào: "Đến thời điểm hiện tại, mình đã có 15ha trồng keo, 20 con trâu bò, 40 con dê. Vụ keo trước đó cũng mang lại gần 500 triệu đồng, nói chung cuộc sống không còn phải lo lắng nữa".

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết: “Hồ Minh là người biết tính toán trong làm ăn, lại rất táo bạo trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ việc phát triển kinh tế gia đình Hồ Minh đã xây dựng nên một mô hình kinh tế rất hiệu quả, phù hợp với tập quán sản xuất, chăn nuôi của người dân, nên hiện nay rất nhiều hộ đồng bào trong xã đang học kinh nghiệm làm theo”.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.