Bài 1: Nguy cơ tái nghèo vì thủy điện
Chuyện lạ ở Bản Hồ
Một dự án thủy điện hàng chục MW , với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng thi công trong nhiều tháng nay mà chính quyền xã không rõ, chính quyền huyện cũng chẳng biết. Chuyện nghe có vẻ rất “lạ” nhưng lại đang diễn ra ở dự án thủy điện Bản Hồ thuộc xã Bản Hồ, huyện Sa Pa.
Ông Đào A Khởi, Chủ tịch UBND xã Bản Hồ cho biết, vào tháng 12/2017, xã Bản Hồ nhận được công văn của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai về việc lấy ý kiến cho dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Bản Hồ do Công ty Việt Long (trụ sở tại tầng 2, Tòa nhà Hội trường, số 12 Đào Tấn, TP . Hà Nội) làm chủ đầu tư. “Chính quyền xã đã có công văn trả lời đề nghị không cấp phép cho dự án thủy điện Bản Hồ vì trên địa bàn xã đã có quá nhiều thủy điện, phá hủy cảnh quan môi trường, thu hẹp diện tích đất sản xuất của người dân. Nếu thêm nhà máy thủy điện, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nguy cơ người dân tái nghèo là rất lớn” .
Mặc dù cơ sở đã có kiến nghị không cấp phép đầu tư xây dựng, nhưng không hiểu sao dự án thủy điện Bản Hồ vẫn được triển khai thi công trước sự bất lực của cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã. “Dự án triển khai trên đất của xã nhưng chúng tôi không có bất cứ một giấy tờ gì liên quan đến dự án này. Từ khi triển khai xây dựng (giữa tháng 12/2017) đến nay, đơn vị thi công cũng như chủ đầu tư chưa có buổi làm việc nào với cấp ủy chính quyền địa phương” .
Theo ông Khởi thì xã đã nhiều lần báo cáo huyện Sa Pa về việc Dự án thủy điện Bản Hồ thi công mà không báo cáo với xã, khiến cho địa phương và người dân rất bất bình nhưng huyện cũng không thấy có biện pháp cứng rắn nào.
Cũng theo thông tin từ vị Chủ tịch xã Bản Hồ, ngoài việc không báo cáo, thông tin cho chính quyền địa phương, thì chủ đầu tư còn thay đổi thiết kế. “Họ vừa làm vừa xin nâng công suất của nhà máy từ 5MW lên đến 9MW . Như vậy, sẽ có rất nhiều diện tích đất sản xuất bị dự án lấy đi. Chúng tôi đang rất lúng túng trong việc bố trí đất sản xuất cho các hộ dân ra sao khi mà quỹ đất của xã cũng không còn nữa” .
Ông Lê Tân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết: Qua kiểm tra thì Dự án thủy điện Bản Hồ có rất nhiều sai phạm. Cụ thể: Dự án này chưa được UBND tỉnh Lào Cai cấp quyết định chủ trương đầu tư; chưa có đánh giá tác động môi trường; chưa có đăng ký chủ nguồn thải nguy hại; chưa có giấy phép đăng ký khai thác thu hồi khoáng sản trong phạm vi diện tích đất dự án...
“Những vi phạm này của chủ đầu tư là rất nghiêm trọng, vượt quá thẩm quyền xử phạt của UBND huyện. Chúng tôi đã có công văn kiến nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường Lào Cai vào cuộc thanh, kiểm tra, xử phạt đối với chủ đầu tư” .
Cũng theo vị Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa thì Dự án thủy điện Bản Hồ khởi công ngày nào, tiến độ, khối lượng xây dựng ra sao… chính huyện Sa Pa cũng không được báo cáo nên không nắm được (?).
Nguy cơ tái nghèo vì thủy điện
Không chỉ riêng nhà máy thủy điện Bản Hồ đang được thi công, nhiều công trình thủy điện khác được xây dựng trong thời gian vừa qua tại Sa Pa khiến người dân đối diện với nhiều nguy cơ từ đe dọa đến tính mạng, sức khỏe đến nguy cơ tái nghèo rất cao.
Ông Đào A Khởi cho biết thêm: Hiện nay trên địa bàn xã Bản Hồ đã có tới 6 Dự án thủy điện. Trong đó, có 4 nhà máy đã đi vào hoạt động đó là: Nhà máy Sử Pán 1, 2; thủy điện Nậm Toóng, thủy điện Séo Chung Hô. Còn lại 1 dự án thủy điện Bản Hồ đang thi công và dự án thủy điện Sử Pán 3 sắp khởi công.
Những nhà máy thủy điện này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đe dọa sự an toàn mà còn đang làm phá vỡ sinh kế của người dân. Trước đây, người dân xã Bản Hồ có nguồn thu nhập chính từ làm du lịch. Thế nhưng gần đây, nguồn thu này gần như bị mất trắng.
“Việc có quá nhiều các nhà máy thủy điện trên địa bàn xã đã phá vỡ cảnh quan du lịch, khiến cho lượng du khách đến xã thời gian gần đây giảm hẳn. Suối Mường Hoa trước đây trong xanh, nước chảy cuồn cuộn mà bây giờ cạn trơ đá. Đồi núi thì loang lổ do các nhà máy đào bới để đặt đường ống áp lực” , ông Khởi cho biết thêm.
Cách đây vài năm, gia đình anh Lồ A Quỳnh ở thôn Bản Dền, xã Bản Hồ đầu tư hàng trăm triệu đồng sửa chữa, mở rộng nhà cửa làm dịch vụ Homesaty phục vụ du khách. Những ngày đầu kinh doanh, nhiều hôm gia đình anh không đủ chỗ để phục vụ nhu cầu khách ăn nghỉ. “Bây giờ cả tuần may ra có 1-2 đoàn khách về nghỉ, thu nhập của gia đình giảm hẳn, nhưng cũng chẳng biết làm gì khác để có thu nhập. Với xu hướng này không biết thời gian tới còn khách đến nữa không?” .
Những hộ sẵn có vốn thì còn đỡ, nhiều hộ gia đình để kinh doanh dịch vụ du lịch phải vay mượn tiền đầu tư cơ sở hạ tầng. Chị Đào Thị Tem, cũng ở thôn Bản Dền tỏ ra lo lắng: “Nhà mình vay hơn trăm triệu đầu tư phòng nghỉ, kinh doanh dịch vụ tắm lá thuốc người Dao đỏ. Nếu như cách đây vài năm thì chắc chỉ 2-3 năm là trả hết nợ thôi, nhưng bây giờ cả ngày có khi chẳng có khách nào vào, khoản tiền vay cũng chưa biết ngày nào mới trả hết đây” . Những tác động tiêu cực từ các dự án thủy điện, thủy lợi ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, sẽ được Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục phản ánh trong các số báo sau.
Huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai trước đây vốn nổi tiếng là nơi du lịch nghỉ dưỡng thanh bình. Tuy nhiên, gần đây hàng chục hồ thủy điện thi nhau mọc lên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch của địa phương này
BÀI VÀ ẢNH : TRỌNG BẢO