Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thường Xuân (Thanh Hóa): Nghi vấn từ chữ ký trong danh sách nhận gạo hỗ trợ trồng rừng

Quỳnh Trâm - 22:25, 06/08/2023

Mặc dù sự việc chi trả hỗ trợ gạo cho hộ đồng bào DTTS trồng rừng tại xã Xuân Cẩm (nay là Thị trấn Thường Xuân) huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã trải qua hơn 4 năm nhưng đến nay người dân vẫn còn bức xúc và có đơn thư phản ánh gửi đến cơ quan báo chí.

Việc chi trả hỗ trợ gạo trồng rừng cho người dân đồng bàoDTTS tại Thị trấn Thường Xuân đang được nhiều bạn đọc quan tâm
Việc chi trả hỗ trợ gạo cho hộ đồng bào DTTS trồng rừng tại Thị trấn Thường Xuân đang được nhiều bạn đọc quan tâm

Dù trước đó, Báo Dân tộc và Phát triển đã có bài viết “Thanh Hóa: Lùm xùm việc hỗ trợ gạo cho hộ đồng bào DTTS trồng rừng ở Thường Xuân” đăng ngày 11/6. Về nội dung phản ánh của người dân Tiến Sơn 1, thị trấn Thường Xuân xung quanh việc không rõ ràng minh bạch trong việc cấp phát hỗ trợ gạo cho đồng bào DTTS tự nguyện trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng giai đoạn 2016 - 2020 theo quyết định của Thủ tướng chính phủ.

Cụ thể, năm 2019 Nhà nước có hỗ trợ gạo cho các hộ dân có đất trồng keo trên diện tích đất rừng sản xuất cho người dân tại huyện Thường Xuân, trong đó có người dân thôn Tiến Sơn 1. Tuy nhiên, đơn thư của người dân phản ánh, trong quá trình cấp phát gạo đã xảy ra nhiều tranh cãi, lùm xùm giữa cán bộ và các hộ dân; trong đó có việc nhiều hộ dân phản ánh số lượng gạo không đúng với quy định và thấy xe chở hàng tấn gạo lên, lại chở mang về xuôi không rõ đưa đi bán hay làm gì?.

Sau khi báo thông tin phản ánh, bạn đọc và người dân tại khu vực được cấp phát gạo rất quan tâm đến nội dung này. Đặc biệt là chờ đợi vào kết quả xác minh, kiểm tra vụ việc từ chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, mãi đến ngày 17/7 UBND Thị trấn Thường Xuân mới tiến hành xác minh thông tin báo chí và nhân dân phản ánh.

Danh sách nhận gạo hỗ trợ trồng rừng tại thị trấn Thường Xuân không có chữ ký xác nhận của trưởng thôn
Danh sách nhận gạo hỗ trợ trồng rừng tại thị trấn Thường Xuân không có chữ ký xác nhận của trưởng thôn

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, Ông Lê Tiến Long, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thường Xuân là người được ông Hoàng Sỹ Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Thường Xuân ủy quyền tiếp và làm việc với báo chí.

Ông Long đã lý giải vì sao có sự chậm trễ việc kiểm tra trên bởi vì do khi thành lập tổ xác minh và kiểm tra có sự thay đổi về nhân sự nên phải chờ đến khi kiện toàn tổ xác minh chúng tôi mới đi xác minh được.

Tại buổi làm việc, vị Phó chủ tịch này cũng cung cấp cho phóng viên về danh sách nhận gạo của thôn Tiến Sơn 1 thời điểm 2019 và 2020.

Theo danh sách nhận gạo mà ông Lê Tiến Long cung cấp, phóng viên nhận thấy một số dấu hiệu bất thường trong danh sách nhận gạo, như nhiều nét chữ giống nhau, đặc biệt không có chữ ký xác nhận của trưởng thôn trong danh sách người dân đã ký nhận. Thắc mắc này, được Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thường Xuân Lê Tiến Long lý giải, do đa số người dân đi nhận gạo đều không biết chữ nên phải mượn người ký thay và phần chữ ký xác nhận của trưởng thôn trong danh sách này đúng là chưa có.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thường Xuân, Lê Tiến Long lý giải với PV, về đa số người dân đi nhận gạo đều không biết chữ nên phải mượn người ký thay
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thường Xuân, Lê Tiến Long lý giải với PV, về đa số người dân đi nhận gạo đều không biết chữ nên phải mượn người ký thay

Từ chữ ký thay trong danh sách nhận gạo của hàng trăm người dân ở thị trấn Thường Xuân khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên vì tỷ lệ không biết chữ của người dân tại địa phương này là rất cao.

Việc này, cũng được ông Lương Văn Hợi, Trưởng khu phố thị trấn Thường Xuân xác nhận với PV, là đa số người dân trong thôn không biết chữ, nên khi nhận gạo phải nhờ ký hộ, ông Hợi nói.

Cũng tại buổi làm việc với khu phố thị trấn Thường Xuân, ông Hợi đã cung cấp cho phóng viên về một số giấy tờ liên quan đến việc cấp phát gạo.

Cụ thể, trong biên bản họp thôn năm 2019, tổng số gạo cấp trồng keo 47.150 kg, trong đó, xuất 560 kg gạo trả công bốc vác. Việc thu gạo của người dân để trả tiền công bốc vác liệu có đúng theo quy định? và đặc biệt có liên quan đến phản ánh của người dân về việc thấy xe chở hàng tấn gạo mang về xuôi không rõ đưa đi bán hay làm gì hay không?.

Với những thắc mắc, hoài nghi trên, rất mong cơ quan chức năng huyện Thường Xuân cần xử lý dứt điểm cũng như có câu trả lời thỏa đáng cho người dân và bạn đọc.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!