Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thông tin đối ngoại

Thước đo sự thành công của chính sách dân tộc: Điều chỉnh tiêu chí nhận diện nghèo (Bài 1)

Thi Thi - 05:57, 13/11/2022

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Việt Nam đã 08 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia. Bắt đầu từ năm 2016, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương áp dụng chuẩn nghèo đa chiều làm công cụ xác định mục tiêu, theo dõi thực trạng nghèo và xây dựng chính sách. Với việc chuyển từ chuẩn nghèo đơn chiều sang chuẩn nghèo đa chiều dựa vào các quyền cơ bản của con người được quy định trong Hiến pháp, công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai bao trùm, với một hệ thống chính sách đồng bộ, trên mọi lĩnh vực. Kết quả giảm nghèo đa chiều ở địa bàn này là thước đo sự thành công chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi đã khoác lên mình diện mạo mới, công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả khả quan (Trong ảnh: Chợ đêm thị trấn Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng)
Vùng đồng bào DTTS và miền núi đã khoác lên mình diện mạo mới, công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả khả quan (Trong ảnh: Chợ đêm thị trấn Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng)

Giai đoạn 1993 – 2015, chuẩn nghèo được điều chỉnh từ tiêu chí về lương thực nhằm bảo đảm có ăn, có mặc, đến áp dụng giá cả, thu nhập, mức sống tối thiểu... Việc điều chỉnh tiêu chí đo lường là cơ sở để hoạch định chính sách giảm nghèo, nhất là cho vùng đồng bào DTTS và miền núi - vùng “lõi nghèo” của cả nước.

Tập trung xóa đói, giảm nghèo

Năm 1993, lần đầu tiên bộ tiêu chí nhận diện thực trạng nghèo quốc gia được áp dụng; được quy chiếu ở thu nhập đầu người quy theo lương thực. Theo đó, hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người dưới 20 kg gạo/tháng đối với thành thị, dưới 15kg/tháng đối với khu vực nông thôn; Hộ đói là hộ có bình quân thu nhập đầu dưới 13kg/tháng đối với thành thị, dưới 8kg/tháng đối với khu vực nông thôn.

Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo qua 08 giai đoạn (1993 - 1995; 1995 - 1997; 1997 - 2000; 2001 - 2005; 2006 - 2010; 2011 - 2015; 2016 - 2020 và 2021 – 2022. Chuẩn nghèo quốc gia là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội; hoạch định các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khu vực, địa phương trong từng giai đoạn.

Việc ban hành chuẩn nghèo vào thời điểm kinh tế - xã hội (KT – XH) nước ta gặp vô vàn khó khăn từ sau năm 1990, do khủng hoảng từ sự sup đổ của Liên Xô (cũ). Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt trình bày tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa IX, ngày 10/12/1992, được lưu trữ trong “Văn kiện Quốc hội toàn tập” cho thấy, năm 1990 và năm 1991, lạm phát của nước ta ở mức gần 70% mỗi năm; sang năm 1992 đã kéo xuống còn 15%.

Trong năm 1993, tình hình KT – XH nước ta được cải thiện hơn, nhưng vẫn đối diện nhiều thách thức. Một báo cáo do ông Mai Thúc Lân, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội trình bày tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá IX, ngày 07/12/1993 cho thấy, lạm phát đã được kiểm soát, nhưng vẫn xấp xỉ 10%; giá trị tổng sản phẩm trong nước (GDP) tính bình quân đầu người thuộc các nước thấp nhất thế giới; thu nhập bình quân đầu người vẫn tính theo lương thực. Áp dụng chuẩn nghèo của giai đoạn này thì tỷ lệ hộ nghèo của nước ta là 58,1%; nhiều vùng miền, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi thì cơ bản đều là hộ nghèo, nhiều hộ đói.

Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi trước đây rất yếu kém. (Trong ảnh: Bến xe thị xã – nay là TP. Cao Bằng năm 1993; Ảnh tư liệu)
Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi trước đây rất yếu kém. (Trong ảnh: Bến xe thị xã – nay là TP. Cao Bằng năm 1993; Ảnh tư liệu)

Trước thực trạng đó, một trong những giải pháp để phát triển KT – XH của đất nước trong năm 1993 và những năm tiếp theo là đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo thông qua các chính sách tạo việc làm. Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt trình bày tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa IX, ngày 10/12/1992 nêu rõ: “Vấn đề việc làm cần phải và có thể giải quyết một bước tích cực hơn, gắn với các chủ trương đẩy mạnh tích lũy đầu tư phát triển dựa vào phát huy khả năng của từng người, từng gia đình, từng đơn vị cơ sở; Nhà nước hỗ trợ chủ yếu bằng việc xây dựng kết cấu hạ tầng và cho vay với điều kiện ưu đãi. Từ kinh nghiệm thực tế, năm 1993, cần triển khai mạnh mẽ, kịp thời hơn việc ngân sách tài trợ cho các dự án tạo việc làm, tập trung trước hết vào các dự án khai hoang, trồng rừng và cây công nghiệp, phủ xanh đất trống, đồi trọc”.

Ngân hàng cho người nghèo

Căn cứ tiêu chí nhận diện hộ nghèo, hộ đói tính theo lương thực, nhiều chính sách tạo việc làm cho người dân đã được ban hành sau năm 1993. Đặc biệt, xác định được thực trạng nghèo đói của người dân, Đảng, Nhà nước chủ trương có chế độ tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, vùng nghèo, vùng đồng bào DTTS…, mở rộng hình thức cho vay thông qua tín chấp đối với các hộ nghèo. Chủ trương được thực hiện bằng cam kết mục tiêu xóa đói giảm nghèo tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội tại Copenhagen (Đan Mạch) tháng 3/1995.

Đây là tiền đề để thành lập một ngân hàng thuộc diện “của hiếm” trên thế giới – Ngân hàng phục vụ người nghèo (viết tắt là NHNg; từ năm 2002 là Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam). Tiền thân của NHNg là Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo thiếu vốn sản xuất (được nhận diện theo chuẩn nghèo là hộ có thu nhập dưới 15kg gạo/người/tháng); Quỹ do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam cùng phối hợp gây dựng theo văn bản thỏa thuận ngày 16/3/1995.

Những năm 1990, đời sống của đồng bào DTTS vô cùng khó khăn. (Trong ảnh: Đời sống của đồng bào các dân tộc tộc tỉnh Lai Châu những năm 1990 qua ống kính của nhiếp ảnh gia người Đức, ông Hans-Peter Grumpe; Ảnh tư liệu)
Những năm 1990, đời sống của đồng bào DTTS vô cùng khó khăn. (Trong ảnh: Đời sống của đồng bào các dân tộc tộc tỉnh Lai Châu những năm 1990 qua ống kính của nhiếp ảnh gia người Đức, ông Hans-Peter Grumpe; Ảnh tư liệu)

Ngay khi mới ra đời, Quỹ đã xác lập được hơn 4 triệu hộ nghèo có nhu cầu vay vốn, trong khi vốn ban đầu của Quỹ chỉ có 400 tỷ đồng. Trước yêu cầu bức thiết cấp vốn cho hộ nghèo phát triển sản xuất, ngày 31/8/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 525-TTg cho phép thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo (NHNg), đặt trong Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tính đến 31/12/2002, tổng nguồn vốn của NHNg đạt 7.105 tỷ đồng, tăng gấp 12,71 lần so với năm 1995, bình quân tăng hơn 61%/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn tạo việc làm cho người nghèo trên cả nước.

Cùng với chính sách tín dụng ưu đãi thông qua NHNg, Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo việc làm cho hộ nghèo. Đáng chú ý là Chương trình phát triển KT – XH các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi và vùng sâu, vùng xa theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg, ngày 31/7/1998 (Chương trình 135). 

Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, công tác xóa đói, giảm nghèo của nước ta đạt được thành tựu to lớn. Kết quả các đợt điều tra mức sống dân cư toàn quốc của Tổng cục Thống kê, theo tiêu chuẩn quốc tế cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo 58,1% của năm 1993 đã giảm xuống còn 37% năm 1998, đến năm 2000 giảm còn 32%, năm 2001 giảm còn khoảng 29%.

Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS được nâng lên một bước. (Trong ảnh: Huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc thông qua các lễ hội - Ảnh: H.D)
Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS được nâng lên một bước. (Trong ảnh: Huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc thông qua các lễ hội - Ảnh: H.D)

Từ năm 2001, hộ nghèo được nhận diện theo tiêu chí được ban hành tại Quyết định số 1143/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 01/11/2000 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Theo đó, hộ nghèo ở vùng nông thôn miền núi, hải đảo là hộ có thu nhập 80 nghìn đồng đồng/người/tháng trở xuống; vùng nông thôn đồng bằng 100 nghìn đồng/người/tháng; vùng thành thị 150 nghìn đồng/người/tháng.

Mức đo lường hộ nghèo về thu nhập được nâng lên trong các giai đoạn tiếp theo; đến giai đoạn 2011 – 2015, hộ nghèo vùng nông thôn là có mức thu nhập từ 400 nghìn đồng/người/tháng trở xuống, vùng thành thị có mức thu nhập từ 500 nghìn đồng/người/tháng trở xuống. Việc nâng chuẩn nghèo về thu nhập phản chiếu rõ nét thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam.

Việc chuyển từ đo lường thực trạng nghèo bằng tiêu chí lương thực sang áp dụng giá cả, thu nhập đã tạo ra bước tiến mới trong hoạch định chính sách giảm nghèo, nhất là cho vùng đồng bào DTTS và miền núi - vùng “lõi nghèo” của cả nước. Thực hiện chủ trương của Đảng, trên cơ sở chuẩn nghèo về thu nhập, các bộ ngành Trung ương đã tham mưu trình Chính phủ ban hành hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó tập trung giải quyết các nhu cầu bức thiết về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc làm,…

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Theo báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội khóa XIII, ngày 16/11/2015, những năm qua, Chính phủ đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo bền vững, tập trung vào vùng đồng bào DTTS và địa bàn đặc biệt khó khăn; hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nhà ở, bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí cho học sinh DTTS, tín dụng ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh sinh viên... Đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng gắn với giảm nghèo ở khu vực đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 4,5%, riêng các huyện nghèo còn dưới 30%.

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Để thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS, cùng với việc nâng cao điều kiện sống hiện tại thì việc nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ, là rất quan trọng. Đây cũng là mục tiêu của Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021 – 2025.