Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg ở Cao Bằng: Dự báo nhiều khó khăn

PV - 09:35, 05/04/2019

Hiện tỉnh Cao Bằng đã lên kế hoạch thực hiện chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg trong năm 2019, có dự kiến kế hoạch cho năm 2020. Nhưng nhiều nội dung hỗ trợ của chính sách được dự báo rất khó thực hiện, nhất là nội dung định canh định cư cho những hộ thiếu đất ở, đất sản xuất.

Nhiều dự án dang dở vì thiếu vốn

Là tỉnh nghèo nên những năm qua, Cao Bằng được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án giảm nghèo bền vững. Ngoài nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì Cao Bằng cũng được bố trí vốn để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất. Chỉ tính riêng các tiểu dự án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trong 3 năm (2016-2018) tỉnh Cao Bằng đã được bố trí hơn 260 tỷ đồng để thực hiện 856 dự án.

Địa hình bị chia cắt, ruộng đồng manh mún nên để bố trí đất sản xuất ở Cao Bằng rất khó khăn. (Ảnh minh họa) Địa hình bị chia cắt, ruộng đồng manh mún nên để bố trí đất sản xuất ở Cao Bằng rất khó khăn. (Ảnh minh họa)

Nhưng tỷ lệ hộ nghèo của Cao Bằng hiện vẫn còn rất cao, thuộc nhóm các địa phương nghèo nhất cả nước. Theo số liệu của UBND tỉnh Cao Bằng, hết năm 2018, toàn tỉnh còn 39.275 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 31,06% (chuẩn nghèo đa chiều). Trước đó, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của Cao Bằng là 34,77%; năm 2016 là 42,53%.

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều chương trình, dự án hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững ở Cao Bằng hiệu quả thấp là do nguồn vốn “rót” nhỏ giọt, lại dàn trải. Điều này dẫn tới thực trạng, có không ít chương trình, dự án triển khai dang dở, không giải quyết được vấn đề gốc rễ là tạo sinh kế cho người dân để thoát nghèo bền vững.

Lấy việc thực hiện Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư (ĐCĐC) cho đồng bào DTTS theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg làm ví dụ. Sau khi Chính sách có hiệu lực (năm 2007), tỉnh Cao Bằng đã rà soát và lên danh sách 20 dự án ĐCĐC để triển khai. Trong đó có 18 dự án được khởi công, kinh phí giải ngân gần 170 tỷ đồng. Theo thiết kế, 18 dự án ĐCĐC này sẽ bố trí đủ đất ở, đất sản xuất cho 905 hộ/5.339 nhân khẩu.

Nhưng tính đến thời điểm hiện tại (tháng 4/2019) mới chỉ có 2/16 dự án hoàn thành, các dự án còn lại đều dang dở; chỉ có 47/905 hộ được bố trí vào ĐCĐC. Hàng trăm tỷ đồng đã giải ngân nhưng lại không thể giải quyết được vấn đề ĐCĐC cho những hộ thiếu đất ở, đất sản xuất.

Ngay tại 2 dự án ĐCĐC đã hoàn thành thì vẫn không đạt mục tiêu là bố trí đủ đất sản xuất cho các hộ đến ở. Như tại Dự án ĐCĐC Bành Tổng-Phiêng Phát, xã Thành Công (huyện Nguyên Bình), với tổng vốn đầu tư 8,2 tỷ đồng, được khởi công năm 2008, hoàn thành năm 2013; quy mô thiết kế của Dự án là bố trí đất ở cho 53 hộ; mỗi hộ được cấp 1,5ha đất sản xuất. Nhưng do quỹ đất hạn hẹp, Dự án chỉ bố trí được đất ở cho 34 hộ, mỗi hộ chỉ được cấp 800-1.000m2 đất sản xuất.

Vẫn lo… thiếu vốn?

Để không lãng phí hàng trăm tỷ đồng đã giải ngân cho những dự án ĐCĐC dang dở, sau khi Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện ĐCĐC cho đồng bào DTTS theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg được tích hợp vào Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg (QĐ 2085), UBND tỉnh Cao Bằng đã đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thiện các dự án ĐCĐC, nhưng theo hướng rút gọn.

Theo đó, UBND tỉnh Cao Bằng đã rà soát 18 dự án ĐCĐC để loại 10 dự án, để xuất tiếp tục đầu tư 8 dự án ĐCĐC khả thi nhất từ nguồn vốn theo QĐ 2085. Đây là những dự án ĐCĐC mà theo khảo sát có thể bố trí được đất ở, đất sản xuất cho 374 hộ, với 1.870 nhân khẩu đang du canh du cư.

Dự kiến, trong 3 năm (2018-2020), 8 dự án này sẽ được bố trí gần 110 tỷ đồng để thực hiện; trong đó năm 2018 bố trí 76 tỷ đồng, năm 2019 bố trí 25 tỷ đồng, năm 2020 hơn 8,9 tỷ đồng, đều là vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương. Nhưng đến hết quý I/2019, Cao Bằng vẫn chưa được cấp vốn để thực hiện.

Vốn không được bố trí đang đặt ra cho Cao Bằng một thực tế, rất có thể 8 dự án ĐCĐC được đánh giá là khả thi này sẽ tiếp tục “treo”. Điều này đồng nghĩa, hàng nghìn hộ thiếu đất ở, đất sản xuất của tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục chờ đợi; trong khi chờ dự án thì họ vẫn sẽ tiếp tục du canh du cư.

Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, nếu 8 dự án ĐCĐC được triển khai sẽ góp phần ổn định đời sống cho hàng trăm hộ gia đình. Nhưng đó chỉ là số ít, bởi toàn tỉnh Cao Bằng hiện vẫn còn 962 hộ thiếu đất ở, 3.666 hộ thiếu đất sản xuất.

“Ngoài 374 hộ dự kiến sẽ được bố trí vào 8 dự án ĐCĐC đã được phê duyệt thì các hộ thiếu đất ở, đất sản xuất còn lại chưa biết bố trí thế nào, bởi hiện gần như tỉnh không còn quỹ đất”, ông Hùng cho biết.

Được biết, thực hiện QĐ 2085 trong 3 năm (2018-2020), ngoài thực hiện 8 dự án ĐCĐC thì tỉnh Cao Bằng còn có nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi ngành nghề cho các hộ đủ điều kiện thụ hưởng. Tổng vốn để thực hiện các nội dung hỗ trợ là gần 563,7 tỷ đồng; trong đó vốn để hỗ trợ đất ở là 1,45 tỷ đồng; hỗ trợ đất sản xuất là gần 71,5 tỷ đồng. Nhưng với điều kiện không còn quỹ đất như hiện tại thì Cao Bằng rất khó thực hiện nội dung hỗ trợ đất sản xuất. Đây là bài toán khá hóc búa đối với Cao Bằng trong việc triển khai QĐ 2085, ngay cả khi vốn được cấp về.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.