Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền
Quan Hóa là một huyện miền núi ở phía tây tỉnh Thanh Hóa, phần đông dân số là người DTTS gồm: Thái, Mường, Mông. Địa hình phức tạp, giao thông khó khăn và trình độ dân trí chưa đồng đều, là những thách thức không nhỏ trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở...
Ý thức rõ tầm quan trọng của pháp luật trong nâng cao nhận thức và đời sống cộng đồng, huyện Quan Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện Dự án 10 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình 1719). Thông qua các hoạt động như hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới từng thôn bản, góp phần giúp đồng bào dân tộc nơi đây từng bước hiểu rõ và áp dụng pháp luật vào đời sống.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Tư pháp huyện Quan Hóa cho biết: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đồng bào.
Nội dung tuyên truyền bao quát nhiều lĩnh vực quan trọng như: Các luật mới được Quốc hội thông qua, bao gồm Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Các quy định liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; Các nội dung về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phòng, chống tội phạm; bình đẳng giới; dân chủ cơ sở; cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số; giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; xóa bỏ định kiến giới; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Bên cạnh đó, tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức trợ giúp pháp lý cho cán bộ cơ sở và người liên quan vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Tập huấn kỹ năng thực hiện trợ giúp giáp lý, tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Nói chuyện chuyên đề, phổ biến giáo dục pháp luật tại các bản vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Chỉ tính riêng trong năm 2024, toàn huyện đã tổ chức phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật trên toàn huyên được 241 cuộc, tổng số người được tuyên truyền trực tiếp, là 18.354 lượt người, tài liệu được cấp phát là 18.354 tài liệu. Đối tượng tham gia là lãnh đạo UBND, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, công chức các xã, thị trấn; Bí thư kiêm Trưởng bản, các đoàn thể, Người có uy tín và người dân trên địa bàn 107 bản, khu phố.
Ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: Các buổi tuyên truyền đã mang đến những kiến thức pháp luật cần thiết, cung cấp nhiều thông tin để bà con nắm bắt, đồng thời tạo cơ hội để bà con trao đổi, đặt câu hỏi và nhận được giải đáp cụ thể, từ đó áp dụng hiệu quả pháp luật vào cuộc sống hàng ngày. Đây không chỉ là hoạt động mang tính thời điểm, mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược dài hạn nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật trong cộng đồng."
Tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân
Dựa trên kế hoạch của tỉnh, huyện đã triển khai các hoạt động tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) với nhiều hình thức phong phú như hội nghị, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, sân khấu hóa qua hội thi, giao lưu văn hóa - văn nghệ, và truyền thông trực quan qua pano, áp phích.
Điển hình, huyện vừa tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) tại trường THCS&THPT Thiên Phủ, nơi các em học sinh được cung cấp kiến thức về Luật Giao thông, Luật Hôn nhân và gia đình, cũng như cách phòng, chống các tệ nạn xã hội.
Những buổi tuyên truyền này không chỉ trang bị kiến thức pháp luật mà còn nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT tại các vùng đồng bào DTTS.
Chị Vi Thị Liệp, công chức tư pháp - hộ tịch xã Phú Nghiêm, cho biết: Vừa qua, xã đã phối hợp với Công an xã, địa chính xây dựng môi trường, công chức văn hóa - lao động - thương binh - xã hội và Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại 6 thôn, bản trên địa bàn. Hoạt động này có sự tham gia tích cực của Ban Quản lý bản cùng đông đảo người dân địa phương.
Mục tiêu chính là nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, từ đó đưa pháp luật đi vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh hiện nay.
Các nội dung tuyên truyền tập trung vào những văn bản pháp luật thiết thực, gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận và thực hiện sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, xây dựng một cộng đồng văn minh, hiểu biết và tuân thủ pháp luật.
Chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động
Chị Hà Thị Hoa, một người dân xã Phú Nghiêm, chia sẻ: “Thông qua các hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật tại địa phương, tôi đã hiểu rõ hơn về những luật cơ bản gắn liền với đời sống hàng ngày như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ rừng, và Luật Hôn nhân và Gia đình. Những kiến thức này không chỉ giúp tôi nâng cao nhận thức mà còn trang bị kỹ năng để bảo vệ bản thân và gia đình tốt hơn”.
Nhờ những nỗ lực trong công tác PBGDPL, nhận thức pháp luật của đồng bào DTTS tại Quan Hóa đã có những chuyển biến tích cực. Ông Phạm Anh Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa đánh giá cao vai trò quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn. Ông cho biết:
"Trong những năm qua, công tác PBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, giúp bà con DTTS hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ của mình, cũng như ý thức tuân thủ pháp luật. Những nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn không chỉ giúp bà con nắm bắt các chính sách pháp luật, mà còn tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống, đặc biệt là giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Toàn cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, cơ quan chuyên môn để tăng cường cung cấp thông tin, đổi mới hình thức tuyên truyền, tập huấn pháp luật. Đồng thời, tăng cường trợ giúp pháp lý nhằm đảm bảo người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, có thể tiếp cận pháp luật một cách thuận lợi nhất.