Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thực hiện hỗ trợ lao động học nghề ở Quan Hóa (Thanh Hóa): Có hay không việc “rút ruột’ tiền chính sách?

Quỳnh Chi - 18:46, 26/02/2020

Theo phản ánh của nhiều lao động đã tham gia các lớp đào tạo nghề theo Đề án 1956 trên địa bàn huyện Quan Hóa, các khóa học đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt, trong quá trình triển khai, số tiền Nhà nước hỗ trợ cho người lao động đã không đến được tay họ một cách đầy đủ.

Chị Phạm Thị Th. xã Phú Nghiêm cho biết, dù không nghỉ học buổi nào nhưng cuối khóa chỉ nhận được 1.200.000 đồng
Chị Phạm Thị Th. xã Phú Nghiêm cho biết, dù không nghỉ học buổi nào nhưng cuối khóa chỉ nhận được 1.200.000 đồng

Theo tìm hiểu của phóng viên, thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án), từ năm 2010 đến nay, huyện Quan Hóa đã tổ chức được 145 lớp học nghề với sự tham gia của 6.663 lao động. Các ngành nghề chủ yếu gồm: xây dựng dân dụng; điện dân dụng; du lịch gia đình; chăn nuôi; chế biến lâm sản; thêu ren xuất khẩu...

Ông Nguyễn Văn Do, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quan Hóa, cho biết, với mỗi khóa đào tạo nghề theo Đề án, thời gian học là 3 tháng, nhưng trừ các ngày thứ 7, Chủ nhật thì số ngày thực tế là 66 ngày. Theo chính sách chung của Đề án thì mỗi ngày, một học viên được hỗ trợ 30 nghìn đồng.

Như vậy, mỗi khóa học, 1 học viên sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ tương đương 1.980.000 đồng. Nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều lao động phản ánh, họ không nhận được đủ số tiền trên, cho dù có đi học đầy đủ hay không.

Anh Hà Văn Th. ở xã Phú Xuân tham gia lớp học nghề thợ hàn được tổ chức tại xã năm 2018. Anh khẳng định, anh chỉ đi học được 4-5 buổi. Dù không đi học đầy đủ nhưng trong danh sách anh vẫn được điểm danh đi học đều đặn và số tiền ký nhận cũng đủ 1.980.000 đồng. Anh Th. khẳng định chữ ký trong danh sách nhận tiền không phải chữ ký của anh.

“Cuối khóa học tôi nhận được số tiền hỗ trợ là 150 nghìn đồng”, anh Th. nói.

Anh Lương Văn Ng. ở bản Mỏ, xã Phú Xuân cũng là học viên của lớp học nghề thợ hàn năm 2018. Anh Ng. cho hay, anh là lớp trưởng nên đi học rất đầy đủ. Dù vậy, số tiền anh nhận được khi kết thúc khóa học cũng chỉ có 150 nghìn đồng. Dù vậy, tên anh Ng. vẫn nhận đủ số tiền hỗ trợ trong hồ sơ.

Ở lớp học thêu ren năm 2018 tại xã Phú Nghiêm thì khá khẩm hơn, các học viên đều là nữ, tham gia lớp học đều đặn số ngày theo quy định; nhưng số tiền họ nhận được vẫn không đúng như quy định được nêu trong Đề án (1. 980.000 đồng-Pv)

Chị Phạm Thị Th. ở xã Phú Nghiêm, một học viên tham gia học nghề thêu ren năm 2018, cho biết, tham gia khóa học, chị không nghỉ học buổi nào nhưng cuối khóa, chị chỉ được nhận số tiền 1.200.000 đồng. Vậy nhưng trong danh sách nhận tiền ghi chị nhận đủ 1. 980.000 đồng, có chữ ký của chị Th. Chị khẳng định, đây không phải là chữ ký của mình.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Do, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quan Hóa, cho biết, trong mỗi khóa học, giáo viên sẽ điểm danh tại lớp; người nào học buổi nào thì sẽ được tính tiền buổi đó, nên nhiều học viên vắng học thì sẽ không nhận được số tiền đầy đủ. Nhưng ông Do không giải thích được tại sao, trong danh sách nhận tiền, dù có người đi học đầy đủ nhưng thực tế vẫn bị cấp thiếu tiền, hoặc có người chỉ đi học vài buổi nhưng trong giấy tờ lại vẫn được ký nhận đủ tiền.

Theo ông Do, huyện kí hợp đồng với các đơn vị có chức năng dạy nghề như Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện, trường Trung cấp nghề xây dựng Thanh Hóa để thực hiện đào tạo nghề theo Đề án. Thông thường, các đơn vị giảng dạy theo dõi về mặt con số, huyện sẽ chuyển tiền để họ trực tiếp chi trả cho học viên.

“Huyện chưa bao giờ nhận được phản ánh gì từ cơ sở, thậm chí thanh tra tài chính cũng đã kiểm tra, đánh giá không vấn đề gì. Nếu đúng như phản ánh trên thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra cụ thể, nhận trách nhiệm về phòng trong quản lí, giám sát”, ông Do nói.

Nhiều học viên cho rằng chữ ký trong danh sách nhận tiền không phải của họ
Nhiều học viên cho rằng chữ ký trong danh sách nhận tiền không phải của họ

Được biết, trong 4 năm gần đây, huyện Quan Hóa đã được Trung ương phân bổ gần 1,7 tỷ đồng (năm 2016: 510 triệu đồng; năm 2017: 460 triệu đồng; 2018: 390 triệu đồng; 2019: 335 triệu đồng) để triển khai Đề án 1956. Nếu đúng như phản ánh của học viên học nghề thì số tiền chênh lệch đã đi về đâu? Đề án đã được triển khai từ 10 năm nay, vậy việc “rút ruột” tiền chính sách này bắt đầu từ khi nào?

Những câu hỏi này rất cần được cơ quan chức năng của huyện Quan Hóa và tỉnh Thanh Hóa vào cuộc xác minh, làm rõ. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ theo dõi và thông tin đến bạn đọc.


Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.