Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thực hiện Dự án 2, Chương trình MTQG 1719 ở Nghệ An: Sẽ triển khai sau mùa mưa lũ

An Yên - 15:09, 23/06/2023

Thực hiện Dự án 2, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) có 4 dự án định canh, định cư để ổn định dân cư được thực hiện tại 3 huyện 30a của tỉnh Nghệ An, là Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Đến thời điểm này, việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng vẫn đang được các huyện gấp rút thực hiện. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương, phải hết mùa mưa năm nay, nghĩa là vào khoảng hết tháng 9 mới có thể bắt đầu triển khai thi công.

Dự án 2 chương trình MTQG 1719 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, được ngân sách trung ương bố trí vốn đầu tư phát triển năm 2022, với tổng kinh phí hơn 15,5 tỷ đồng, năm 2023 tổng kinh phí bố trí hơn 42,3 tỷ đồng. Tổng số kinh phí được bố trí là để thực hiện 4 dự án định canh định cư tại các huyện Kỳ Sơn (2 dự án), Tương Dương (1 dự án), Quế Phong (1 dự án).

Mục tiêu của Dự án là thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ DTTS còn du canh, du cư, dân di cư tự phát và những nơi cần thiết, nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự phát; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh, quốc phòng.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương trên đường vào khảo sát để xây dựng dự án định canh định cư khe Hộc, bản Huồi Pủng xã Hữu Khuông
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương trong chuyến công tác khảo sát để xây dựng dự án định canh định cư khe Hộc, bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tính đến tháng 6/2023, Dự án 2 đã giao kế hoạch vốn chi tiết 2 dự án, với số tiền 24.160 triệu đồng, đạt 41,71% kế hoạch.

Từ thực tế cơ sở, chúng tôi nhận thấy, các dự án vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngay tại huyện Kỳ Sơn, đơn vị được thụ hưởng 2 dự án định canh định cư ở 2 xã Mỹ Lý và xã Bảo Nam, thì vẫn chưa thể triển khai thi công. Dự án định canh định cư tại xã Mỹ Lý, có quy mô 45 hộ dân với mức đầu tư 12 tỷ đồng. Còn dự án ở xã Bảo Nam có quy mô 60 hộ dân, với mức đầu tư 17 tỷ đồng.

 Theo Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư huyện Kỳ Sơn Nguyễn Văn Long, thì hiện nay hồ sơ đang nằm ở Sở Xây dựng, đang trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Ông Long nói: Chúng tôi đang cố gắng bám các sở, ngành để sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư, để có thể bắt đầu thi công vào thời điểm sau mùa mưa, tức là hết tháng 10 năm nay. Với tiến độ này, dự đoán cũng phải kéo dài sang năm mới hoàn thành.

Đoàn công tác của tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương thực địa tại dự án định canh định cư khe Hộc, bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông

Ông Long cũng chia sẻ đến khó khăn của huyện trong giai đoạn đầu thực hiện dự án, là  việc lựa chọn địa điểm để triển khai. Kỳ Sơn là huyện có nhiều diện tích đất rừng, nếu bố trí vướng vào diện tích rừng phòng hộ rất mất thời gian làm thủ tục chuyển đổi và sẽ còn lâu hơn nữa.

Còn tại huyện Tương Dương, đơn vị được thụ hưởng 1 dự án định canh định cư cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Theo hồ sơ, dự án được thực hiện tại khe Hộc, bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông với diện tích 8,07ha, có tổng mức đầu tư là hơn 34,6 tỷ đồng.

Toàn bản Huồi Pủng có 69 hộ đang sinh sống. Đây là bản người Khơ Mú còn nhiều khó khăn, nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Đường giao thông vào bản cách trở. Để vào đến trung tâm xã, ngoài việc ngồi thuyền máy 2 h trên lòng hồ thủy điện, thì có thể vòng ngược lên huyện Kỳ Sơn với quãng đường non 200 km.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư huyện Tương Dương chia sẻ: Đây là dự án thực sự cần thiết để ổn định dân cư, là cơ sở để bà con người Khơ Mú ổn định cuộc sống, làm ăn sinh sống. Hiện tại, tiến độ thực hiện dự án vẫn đang ở mức trình phê duyệt báo cáo khả thi với cấp có thẩm quyền. Với tiến độ hiện nay, phải hết tháng 9 mới có thể triển khai thi công.

Sau khi hoàn thành thì tuyến đường giao thông vào khu định canh định cư bản Long Thắng, xã hạnh Dịch sẽ giúp người dân đi lại thuận tiện hơn
Sau khi hoàn thành thì tuyến đường giao thông vào khu định canh định cư bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch sẽ giúp người dân đi lại thuận tiện hơn

Tại huyện Quế Phong, 1 dự án định canh định cư cũng được bố trí xây dựng tại bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch, với tổng mức đầu tư 21,9 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự kiến sẽ bố trí cho hơn 80 hộ dân với hơn 330 nhân khẩu là người Thái. Những người lập dự án đã mong muốn và kỳ vọng nhằm hạn chế tình trạng di dân tự do, ổn định dân cư. 

Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông vào khi định canh định cư cũng nhằm mục đích đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Ở thời điểm hiện tại, dự án đang triển khai công tác thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở. Đại diện lãnh đạo huyện Quế Phong cho biết: Với tiến độ và tình hình hiện nay, dự kiến sẽ bố trí dân định cư trong quý I/2025.

Ba huyện 30a của Nghệ An là những huyện vùng cao, dễ tác động của mưa bão, lũ ống và lũ quét. Thế nên việc lựa chọn địa điểm không sạt lở để thực hiện dự án, không phải là dễ dàng. Chưa kể, khối lượng công việc nhiều, phải triển khai trong một thời điểm cũng là khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Tin cùng chuyên mục
Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Việc xây dựng hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc là nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc. Bộ luật cũng tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng DTTS và miền núi. Tại Hội thảo khoa học "Định hướng tên gọi, nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc" diễn ra sáng ngày 20/9, rất nhiều đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, khoa học, cơ sở đào tạo...trên các lĩnh vực tham gia tham luận