Tại Nghệ An, mùa nắng nóng, hạn hán thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. Vào thời điểm này, nhiều khu vực rừng trong tỉnh nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Chỉ tính riêng trong tháng 5/2023, ở Nghệ An đã xảy ra một số vụ cháy rừng gây thiệt hại nặng. Cụ thể, vào ngày 5/5 đã xảy ra vụ cháy rừng tại khu vực núi Tích, xã Thượng Sơn (huyện Đô Lương) làm thiệt hại 5,3 ha rừng.
Hay, mới đây, chiều ngày 19/5, trên địa bàn khối Trường Sơn, thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn) đã xảy ra vụ cháy rừng thông. Do đã chủ động được lực lượng nên đám cháy được dập tắt sau hơn 1 giờ, diện tích rừng bị cháy ước tính khoảng 0,2 ha.
Thống kê của chính quyền các địa phương, trong tổng số diện tích rừng hiện có của tỉnh, diện tích rừng dễ cháy chiếm khoảng 2/3, gồm rừng tre nứa, rừng phục hồi sau nương rẫy, trảng cỏ, bụi cây, rừng thông… Những diện tích rừng này thường phân bổ ở địa bàn phức tạp, xa trung tâm xã, huyện, khó triển khai chữa cháy khi cháy rừng xảy ra.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam, gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở mức rất cao.
Trước tình hình trên, trong đợt nắng nóng cuối tháng 5/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện khẩn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn. Đây là lần thứ 3 trong năm 2023, tỉnh Nghệ An ban hành công điện về nội dung này dù chưa bắt đầu vào tháng cao điểm về nắng nóng.
Hiện tại, để bảo đảm an toàn cho những diện tích rừng, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, chính quyền địa phương trong việc rà soát, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể để tổ chức kiểm tra khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy; chú trọng thực hiện phương án bảo vệ diện tích rừng gắn với khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh...
Đặc biệt, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng; bố trí điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu rừng có nguy cơ cháy cao.
Đặc biệt, khi cháy rừng xảy ra, lãnh đạo địa phương phải có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy chữa cháy. Đối với diện tích rừng gần khu dân cư, kho tàng, khi xảy ra cháy phải có phương án sẵn sàng, chủ động di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho bà con.
Cùng với cấp bách triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, tại một số địa phương trong tỉnh đang nhân rộng mô hình hay, hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đơn cử như, việc xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng đa dạng, hiệu quả, phù hợp đặc thù từng địa phương, địa bàn, gắn với việc duy trì các tổ, đội quần chúng phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở.
Thực hiện mô hình này, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 1.900 tổ, đội, với trên 22.000 thành viên tham gia được tập huấn kiến thức, nghiệp vụ và trang bị công cụ phòng cháy, chữa cháy rừng.
Từ ngày 1/4, Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng tổ chức, duy trì thường trực, thông tin cháy rừng 24/24h hàng ngày từ cấp tỉnh đến cơ sở. Tại những vùng rừng trọng điểm, nguy cơ cháy rừng cao, bố trí lực lượng tuần tra, giám sát chặt chẽ người ra, vào rừng và việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng để kiểm soát các nguồn lửa, nguồn nhiệt có thể gây cháy rừng.
Để chủ động trong công tác phòng, chống cháy rừng, thời điểm này, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã chủ động phát dọn, đốt trước vật liệu cháy trên 2.200 ha, tu sửa 128km đường băng cản lửa. Tỉnh cũng đã hoàn thiện 2 hệ thống camera giám sát cháy tại 2 huyện Nghi Lộc và Quỳnh Lưu.