Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Sơn La: Tạo bước phát triển mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Minh Nhật - Hoàng Minh - 04:57, 17/11/2023

Với trên 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, tỉnh Sơn La đã nỗ lực triển khai đồng bộ các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021- 2025 (Chương trình MTQG 1719). Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống đồng bào các dân tộc, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Sơn La nỗ lực bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ DTTS còn du canh, du cư.
Sơn La nỗ lực bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ DTTS còn du canh, du cư.

Chuyển biến bộ mặt nông thôn

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sơn La có 202/204 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó, 126 xã khu vực III và 1.449 bản đặc biệt khó khăn thuộc phạm vi thực hiện Chương trình MTQG 1719.

Điền hình như huyện Bắc Yên, là huyện vùng cao có trên 95% dân số là đồng bào DTTS, năm 2022, Bắc Yên ra khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Tuy nhiên, toàn huyện vẫn còn 13 xã và 67 bản đặc biệt khó khăn.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, Bắc Yên đã thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 -2025; ban hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo. Chỉ đạo UBND các xã thành lập Ban Quản lý xã, bản để tổ chức thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, huyện đã ban hành trên 140 văn bản để chỉ đạo thực hiện; hướng dẫn quy trình triển khai rà soát đối tượng thụ hưởng và quy trình thực hiện với nội dung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh rà soát nội dung, danh mục, nhu cầu vốn… để triển khai các dự án thành phần; rà soát, lập kế hoạch nguồn vốn giai đoạn 2021-2025, thường xuyên thông tin với Ban Dân tộc tỉnh để kịp thời tháo gỡ vướng mắc.

Bắc Yên huy động hiệu quả các nguồn lực để hoàn thành công tác xóa nhà tạm giai đoạn 2021-2025.
Bắc Yên huy động hiệu quả các nguồn lực để hoàn thành công tác xóa nhà tạm giai đoạn 2021-2025.

Ông Thào A Mua, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết: Sau gần 3 năm triển khai Chương trình MTQG 1719 cùng với nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách khác. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm trên 4%/năm; trên 87% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; trên 64% bản có đường từ trung tâm xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 99,2% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 95% dân số thị trấn được sử dụng nước sạch; 100% dân số vùng đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ người lao động trong độ tuổi là người DTTS được đào tạo nghề phù hợp đạt 17%, trong đó, 80% là lao động người DTTS trong độ tuổi 18-35 tuổi…

Đặc biệt, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719, Bắc Yên đã triển khai hỗ trợ 36 hộ nghèo làm nhà ở; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 30 hộ; đầu tư 5 công trình nước sinh hoạt tập trung tại 4 xã; hỗ trợ bồn chứa nước cho 39 hộ DTTS nghèo. Huyện đang triển khai 3 dự án bố trí sắp xếp dân cư, tổng số hộ dự kiến đến hết năm 2023 là 24 hộ, hết năm 2024 là 104 hộ.

Đồng thời, chính quyền huyện Bắc Yên  hỗ trợ Nhân dân triển khai các mô hình phát triển nông nghiệp như cải tạo, thâm canh lúa theo hướng hữu cơ; trồng khoai sọ, dứa Queen, phát triển vùng nguyên liệu chè Shan tuyết… Mở 2 lớp xóa mù chữ cho 46 học viên; 10 lớp đào tạo nghề cho 350 người lao động.

Bê tông hóa đường giao thông nông thôn giúp đồng bào vận chuyển nông sản, hàng hóa thuận tiện, dễ dàng
Bê tông hóa đường giao thông nông thôn giúp đồng bào vận chuyển nông sản, hàng hóa thuận tiện, dễ dàng

Thuận Châu là một trong những huyện miền núi nghèo của tỉnh Sơn La, với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống. Hiện nay, huyện cũng đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, phấn đấu cuối năm đạt từ 90-100% kế hoạch vốn giao năm 2023.

Trong đó, nổi bật là tập trung đẩy mạnh thực hiện Dự án 1 về việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho Nhân dân... Ước thực hiện đến hết năm 2023: Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 645 hộ nghèo, hỗ trợ nhà ở cho 170 hộ nghèo, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 498 hộ nghèo thiếu đất sản xuất, hỗ trợ đất ở cho 16 hộ nghèo, xây dựng 05 công trình nước sinh hoạt tập trung. Ước giải ngân thanh toán đến 31/12/2023 bằng 96,26% kế hoạch vốn giao...

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án

Theo kế hoạch, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2025 toàn tỉnh là 8 nghìn 690 tỷ 065 triệu đồng để thực hiện 10 dự án thành phần. Mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS tăng 2 lần so với năm 2020; có ít nhất một huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo; mỗi năm giảm 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; 44% số xã vùng đồng bào dân tộc đạt chuẩn NTM; 85% bản có đường giao thông từ xã đến bản được cứng hóa…

Thuận Châu là huyện miền núi nghèo của tỉnh Sơn La đang từng ngày khởi sắc
Thuận Châu là huyện miền núi nghèo của tỉnh Sơn La đang từng ngày khởi sắc

Sau gần 3 năm triển khai, toàn tỉnh đã giải ngân được 417 tỷ đồng, trong đó giải quyết tình trạng thiếu đất ở cho 179 hộ, đất sản xuất cho 239 hộ đồng bào DTTS; xây dựng 158 công trình nước sinh hoạt tập trung; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho hơn 6.000 hộ. Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ DTTS còn du canh, du cư tại 17 điểm định canh định cư tập trung cho trên 900 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn 8 huyện…

Cùng với đó, tỉnh đã triển khai hỗ trợ trên 50 tỷ đồng thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư trên địa bàn các xã, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS; đầu tư, phát triển vùng dược liệu quý tại huyện Vân Hồ; 5 công trình đường giao thông liên xã; 8 công trình chợ; duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng các xã, bản đặc biệt khó khăn...

Nguồn vốn của Chương trình đã sử dụng vào đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho các hộ dân tộc La Ha thuộc các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La…

Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La không ngừng được cải thiện
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La không ngừng được cải thiện

Ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết: Đến nay, tất cả các Dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình 1719 đã được các địa phương trên toàn tỉnh triển khai kịp thời, đồng bộ, và đạt được những kết quả tích cực.

Cơ chế quản lý, điều hành, phân công, phối hợp trong tổ chức thực hiện từng bước hình thành và đi vào nề nếp. Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình cơ bản được ban hành đầy đủ, kịp thời. Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình được thực hiện thường xuyên.

Qua đó, kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được cải thiện rõ rệt; kết cấu hạ tầng được tăng cường; cơ cấu kinh tế chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, do địa bàn rộng, đối tượng thụ hưởng lớn, công tác rà soát đối tượng thụ hưởng, các nội dung dự kiến triển khai theo từng dự án thành phần, lựa chọn, đề xuất các danh mục dự kiến đầu tư, lập kế hoạch nguồn vốn…. từ cơ sở còn gặp khó khăn. Tiến độ thực hiện một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần còn chậm.

Hiện nay, Sơn La đang tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tại các địa phương. Trên cơ sở đó, kịp thời tháo gỡ, đề xuất thực hiện các hoạt động hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.