Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thực hiện Chương trình MTQG 1719: Bước đầu phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư (Bài 2)

Thúy Hồng - Thanh Hải - 08:46, 29/05/2023

Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, đã có những hợp phần hỗ trợ sản xuất; những công trình hạ tầng, những hợp phần của các dự án... được thực hiện và đưa vào sử dụng. Việc có thêm những công trình đã góp phần làm thay đổi diện mạo bản làng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào vùng DTTS, miền núi.

Nhà cộng đồng bản Ka Tup đã được đầu tư trùng tu nâng cấp trở nên khang trang hơn
Nhà cộng đồng bản Ka Tup đã được đầu tư trùng tu nâng cấp tạo thuận lợi cho các sinh hoạt cộng đồng của người dân

Bản làng khoác “áo mới”

Quảng Trị là một trong những địa phương đã có những công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, hoàn thiện đưa vào sử dụng. Trong số đó, công trình đường bê tông liên bản Ka Tăng - Khe Đá, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có chiều dài 250 m, chiều rộng mặt đường rộng 4,5 m là một ví dụ. Đây là hai bản sát biên giới Việt - Lào, chủ yếu là nơi đồng bào Bru Vân Kiều, Pa Cô sinh sống.

“Tuyến đường liên bản này từng là nỗi ám ảnh của đồng bào vì bụi và lầy lội. Đi lại khó khăn khiến cho cuộc sống của đồng bào có nhiều bất tiện. Nay thì ổn rồi, đường làm xong rồi, ai cũng rất vui”, anh Hồ Văn Híp - người Pa Cô ở bản Khe Đá, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hồ hởi.

Ở Lao Bảo còn có thêm công trình nhà cộng đồng bản Ka Tăng, bản Ka Túp, bản Khe Đá đã được trùng tu, nâng cấp khang trang và đưa vào sử dụng phục vụ sinh hoạt cộng đồng của dân bản. Có được kết quả này là nhờ sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của đồng bào các DTTS, nên Chương trình MTQG 1719 ở Lao Bảo đã thực hiện đúng tiến độ. Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) Lê Bá Hùng nhấn mạnh: Hiệu quả lớn nhất là những công trình từ Chương trình MTQG 1719 đã phục vụ, đáp ứng những nhu cầu, quyền lợi chính đáng của bà con. Bà con vui một, thì địa phương phấn khởi mười. Niềm vui, sự phấn khởi ấy cũng là động lực lớn để bà con thi đua lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống bản làng vùng giáp biên ngày càng no ấm, bình yên.

Còn tại huyện Kỳ Sơn - huyện 30a giáp biên Nghệ An, cũng đã có nhiều công trình được xây dựng, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, các công trình hạ tầng cơ sở như: Công trình phụ trợ Nhà văn hóa bản Huồi Thợ xã Hữu Kiệm; bản Đồn Boọng xã Na Loi; khu thể thao và các công trình phụ trợ Nhà văn hóa bản Nam Tiến 1 xã Nam Tiến; đường giao thông nông thôn vào bản Pà Ca xã Nậm Cắn; công trình phụ trợ Trạm Y tế xã Tây Sơn, cầu Vòm cụm Buộc Mú xã Na Ngoi… đã được làm mới, nâng cấp sạch đẹp.

Có mặt tại Trạm Y tế xã Tây Sơn (Kỳ Sơn), chúng tôi quá đỗi bất ngờ trước một công trình khang trang, đẹp đẽ vừa được xây dựng, chuẩn bị hoàn thiện 1 số hạng mục nhỏ để đi vào hoạt động. Dù khó khăn về giá nguyên vật liệu, địa bàn cách trở, nguồn vốn phân bổ muộn… nhưng các cấp ngành ở huyện Kỳ Sơn đã vào cuộc quyết tâm cao nhất để đôn đốc nhà thầu thi công bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Long - Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) thông tin: Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1917 nhiều công trình cơ sở hạ tầng ở các xã đã được triển khai đầu tư. Hiện nay đã có nhiều công trình hoàn thành và được đưa vào sử dụng cơ bản đáp ứng được mong mỏi, nhu cầu của Nhân dân trong giao thương, học tập, sinh hoạt…

Đường giao thông nông thôn vào bản Pà Ca xã Nậm Cắn đã được hoàn thành từ nguồn vốn Chương trình 1719
Đường giao thông nông thôn vào bản Pà Ca xã Nậm Cắn đã được hoàn thành từ nguồn vốn Chương trình 1719

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG 1719

Hiện nay, Chương trình MTQG 1719 đang bước vào giai đoạn tăng tốc. Khắp các bản làng vùng DTTS và miền núi, nhiều công trình đang được xây dựng, hoàn thiện tiếp những hạng mục còn dang dở với khí thế, quyết tâm cao.

Tại huyện Minh Hóa (Quảng Bình), việc triển khai Chương trình MTQG 1719 đang được địa phương thực hiện quyết liệt. Ngoài các công trình, dự án do UBND các xã làm chủ đầu tư, thì UBND huyện đang triển khai gấp rút 2 dự án là công trình cấp nước ở xã Hóa Sơn, Trường tiểu học và THCS ở xã Dân Hóa. Ông Đoàn Phúc Hạnh - Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho hay: chúng tôi đã đôn đốc các đơn vị thi công, triển khai quyết liệt, nghiêm túc theo luật đầu tư. Hi vọng, với sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện, sự kiểm tra chặt chẽ của các ban giám sát cộng đồng… các công trình sẽ sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu của người dân.

Theo phân kỳ giai đoạn 2021 - 2025, thì năm 2023 được xem là năm bản lề triển khai thực hiện Chương trình. Đây là năm có ý nghĩa quan trọng tạo đà cho kết quả chung của cả giai đoạn. Bởi so với năm 2022 khi mới chuẩn bị triển khai cũng như triển khai kế hoạch phân bổ nguồn, năm 2023 cơ bản các dự án đang được các chủ đầu tư chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quế Phong (Nghệ An) thông tin: Ngoại trừ một số hạng mục có thể phải điều chỉnh như dự án trồng được liệu quý, việc phân chia đất sản xuất cho bà con đang chờ ngành Kiểm lâm kiểm kê… các dự án do huyện, xã làm chủ đầu tư được triển khai đúng lộ trình, kế hoạch. Dù chưa có dự án nào hoàn thành, nhưng tinh thần chỉ đạo của huyện là quyết tâm cao với khí thế hồ hởi. Bà con rất trông chờ vào các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719, nhưng không vì thế mà quá trình triển khai, thực hiện các dự án có sự nóng vội, đốt cháy giai đoạn, làm ẩu…

Những công trình đầu tiên trong Chương trình MTQG 1719 đưa vào sử dụng kịp thời, đang làm cho diện mạo bản làng thay đổi và chất lượng cuộc sống cho đồng bào các DTTS sẽ được nâng lên. Những công trình ấy, đang là niềm vui, động lực để bà con vùng DTTS vươn lên trong cuộc sống.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều những vướng mắc về những tiêu chí, quy định trong một số hạng mục, dự án, tiểu dự án... Hiện các địa phương đang phối hợp cùng cấp có thẩm quyền tìm giải pháp để sớm tháo gỡ.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.