Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thực hiện các chương trình, dự án trong năm 2018: Lại điệp khúc… thiếu vốn?

PV - 12:01, 09/12/2017

Năm tài khóa 2017 đã đi gần hết chặng đường; tuy nhiên hiện nhiều địa phương thu ngân sách chưa đạt dự toán. Điều này không chỉ làm thâm hụt nguồn thu ngân sách Trung ương mà còn ảnh hưởng đến nguồn chi an sinh xã hội cho các địa phương.

Nhiều địa phương hụt thu ngân sách

Vĩnh Phúc là địa phương nhiều năm liền đạt kết quả khả quan trong thu ngân sách. Riêng năm 2016, Vĩnh Phúc là một trong 13 tỉnh, thành trên cả nước có đóng góp cho ngân sách Trung ương.

Tuy nhiên, để có được kết quả này, Vĩnh Phúc phần lớn dựa vào ngoại lực, đó là nguồn thu từ các doanh nghiệp nước ngoài, lớn nhất là từ Công ty Toyota và Công ty Honda. Bước sang năm 2017, khi Công ty Toyota và Công ty Honda chuyển lắp ráp ô tô ra khỏi Việt Nam thì Vĩnh Phúc lập tức đối diện với nỗi lo hụt thu ngân sách.

Cụ thể, năm 2017, Vĩnh Phúc được Trung ương giao thu ngân sách 33.810 tỷ đồng nhưng tính đến hết tháng 10/2017, thu ngân sách của Vĩnh Phúc mới đạt hơn 22.000 tỷ đồng. Theo nhận định của Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc, tổng thu ngân sách cả năm 2017 (không bao gồm thu chuyển nguồn) trên địa bàn ước đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng, tức là “hụt” hơn 8.000 tỷ đồng so với kế hoạch Trung ương giao.

dự án ngưng trệ Khó cân đối vốn sẽ khiến nhiều dự án đầu tư dở dang, gây lãng phí. (Trong ảnh: Dự án nâng cấp Quốc lộ 279 đoạn qua xã Tân Bắc (Quang Bình, Hà Giang) thi công dở dang từ nhiều năm nay do liên tục thiếu vốn).

Không chỉ riêng Vĩnh Phúc, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết tháng 10/2017, cả nước có 43/63 tỉnh, thành mới thu đạt 72% dự toán giao. Trong đó có một sô tỉnh, thành hụt thu trầm trọng so với cùng kỳ năm 2016.

Việc các địa phương hụt thu ngân sách năm 2017 không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm 2018 của chính địa phương đó mà còn tác động kế hoạch chi ngân sách Trung ương trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Trong Báo cáo “Thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018”, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nhận định, năm 2017 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp ngân sách Trung ương có khả năng hụt thu. Trước đó, năm 2015, ngân sách Trung ương hụt thu 2.144 tỷ đồng; năm 2016 hụt thu 321 tỷ đồng.

Ngân sách Trung ương hụt thu nhưng vẫn phải điều tiết để cấp bù cho các địa phương thu ngân sách không đủ dự toán. Như ở Vĩnh Phúc, ngay tại Kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI (được tổ chức ngày 08/7/2017), lãnh đạo UBND tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cấp bù thu hụt ngân sách năm 2017 cho Vĩnh Phúc.

Chậm vì ngân sách gặp khó!

Tình trạng hụt thu ngân sách ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương, vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương khó được đảm bảo. Và hiển nhiên, khi ngân sách gặp khó khăn thì tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển sẽ sụt giảm, ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Tác động rõ nhất của việc hụt thu ngân sách là rất khó bố trí nguồn lực để thực các chương trình, dự án, đề án đã và đang triển khai ở các địa phương thuộc vùng DTTS và miền núi. Từ nhiều năm nay, đa số các chương trình, dự án, đề án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực này thường chỉ được bố trí trên dưới 50% kế hoạch vốn. Ngay cả đối với chính sách giảm nghèo đa chiều, trong năm 2017, các cấp ngành, địa phương cũng chỉ mới bố trí được vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo về thu nhập.

Còn đối với việc thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg về hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020, Quyết định 2086/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc rất ít người giai đoạn 2016-2020 (cả hai đều được phê duyệt ngày 30/10/2016-Pv) đến nay vẫn chưa bố trí được vốn để thực hiện. Với tình trạng “thiếu trước, hụt sau” như hiện nay, chắc chắn năm 2018, nguồn lực để bố trí thực hiện hai chính sách này rõ ràng không mấy khả quan. Trong khi năm 2018 đã là năm bản lề của cả giai đoạn 2016-2020.

Thực tế, năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện dự toán ngân sách theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Đây là Bộ luật mới, được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2015. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy, những bất cập của dự toán ngân sách vẫn chưa được gỡ bỏ. Nhất là yêu cầu “địa phương phải chủ động trong thu chi ngân sách” vẫn chưa được cụ thể hóa; còn ngân sách Trung ương cuối cùng vẫn nắm vai trò “chủ đạo”.

Đây chính là lý do khiến rất nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở vùng DTTS và miền núi, dù được ban hành rất kịp thời nhưng khi triển khai lại rất chậm chạp do không có nguồn để bố trí.

Sỹ Hào

Tin cùng chuyên mục