Trong phiên thảo luận buổi chiều 31/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia thảo luận, đề xuất nhiều ý kiến, đánh giá về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Theo đó, các đại biểu nhận định công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 được triển khai và đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực và sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 được các đại biểu nêu, như: Bổ sung phụ lục những vướng mắc, bất cập về chính sách, pháp luật và trách nhiệm của cơ quan có liên quan đối với từng nội dung; cần tăng cường giám sát việc quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường, các công ty, ban quản lý rừng; đề nghị bổ sung đánh giá việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực giáo dục; pháp điển hóa các hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sát thực tiễn và tăng chế tài xử lý; cần chỉ rõ thêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân gây lãng phí…
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết sau 1 ngày làm việc đã có 46 đại biểu phát biểu ý kiến và một ý kiến tranh luận, đại diện cho Chính phủ có 2 Bộ trưởng, trưởng ngành phát biểu, làm rõ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được tập hợp, ghi âm, ghi chép đầy đủ và sẽ có báo cáo tổng hợp gửi đến đại biểu Quốc hội.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn Giám sát phối hợp với các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến, có giải trình và hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào chiều ngày 15/11.