Theo báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) giai đoạn 2016-2021 thì phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP giai đoạn 2016-2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Nội dung giám sát tập trung đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THTK,CLP và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Theo đó, Đoàn giám sát tập trung vào khu vực công trên địa bàn cả nước với 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm theo quy định của Luật THTK,CLP. Đoàn giám sát đã làm việc, giám sát trực tiếp với Chính phủ, 15 bộ, ngành, cơ quan trung ương, 15 địa phương và khối cơ quan Tư pháp.
Kết quả hoạt động giám sát chuyên đề này đã có tác động làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP; ban hành kế hoạch, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế theo kiến nghị của Đoàn giám sát.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển. Những tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội nhận định từ khi ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện THTK,CLP hàng năm đã mang lại những kết quả rất tích cực, giúp cho việc quản lý, sử dụng nguồn lực công tiết kiệm, hiệu quả có nhiều đóng góp cho quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội các năm qua.
Một số đại biểu đề nghị trong giai đoạn tiếp theo cần: Nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tại địa phương; Cần có công cụ đánh giá về sử dụng dịch vụ công; Cần rõ địa chỉ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong lãng phí ở lĩnh vực khoa học công nghệ; Tăng cường hậu giám sát đối với các dự án trọng điểm quốc gia; Đề nghị kiên quyết thu hồi các dự án treo; Dùng nguồn lực hiệu quả để kiến tạo thị trường khoa học công nghệ…
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết kết thúc phiên thảo luận buổi sáng ngày 31/10 đã có 20 đại biểu phát biểu, còn 35 đại biểu đăng ký. Căn cứ vào sự có mặt các thành viên của Chính phủ trong buổi sáng và buổi chiều để chuẩn bị có ý kiến với những nội dung mà đại biểu đề nghị giải trình, làm rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị báo cáo thêm vấn đề đại biểu nêu trong phiên làm việc buổi chiều.