Cung cấp thông tin chính thống
Ngày 13/10/2022, Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Sở LĐTB&XH tỉnh Lào Cai, UBND huyện Mường Khương đã tổ chức Chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng ở một số huyện nghèo”. Đại biểu dự chương trình tập huấn là cán bộ thuộc các cơ quan chuyên môn của huyện, cán bộ các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên) làm công tác thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đây là một trong những hoạt động nổi bật trong tháng 10 vừa qua của Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với các địa phương nhằm thúc đẩy lĩnh vực XKLĐ trên địa bàn các huyện nghèo. Trước đó, cũng tại tỉnh Lào Cai, chương trình tập huấn đã được tổ chức tại huyện Bắc Hà (ngày 12/10). Còn tại tỉnh Thanh Hóa, chương trình tập huấn đã được tổ chức ngày 8/10/2022, với sự tham gia của gần 200 đại biểu của hai huyện nghèo là Thường Xuân và Bá Thước.
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, chương trình tập huấn được tổ chức nhằm cung cấp thông tin về chương trình, quy định và nội dung hỗ trợ người lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thông tin về các thị trường tiếp nhận lao động trọng điểm đối với lao động Việt Nam... Tại các buổi tập huấn, các đại biểu cũng được trao đổi và cách thức tư vấn và khai thác thông tin chính thống về lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để có thể hướng dẫn và hỗ trợ người lao động tại địa phương có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
“Chương trình tập huấn cũng là dịp các địa phương chia sẻ những cách làm hay, điển hình tốt, trao đổi và giải đáp những vấn đề còn vướng mắc tại cấp cơ sở trong hoạt động thông tin tuyên truyền, hỗ trợ và giải quyết hồ sơ, thủ tục đối với người lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, ông Liêm khẳng định.
Theo ông Liêm, qua khảo sát của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện số lượng lao động huyện nghèo và lao động người DTTS, lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn rất ít. Một phần nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, vận động chưa thực sự được các địa phương chú trọng.
Theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Báo Dân tộc và Phát triển là cơ quan truyền thông chủ lực thực hiện công tác tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025. Từ khi thành lập (tháng 10/2002) đến nay, Báo cũng là đơn vị chủ lực trong thực hiện tuyên truyền về lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; là cơ quan báo chí nòng cốt thực hiện chính sách cung cấp thông tin cho đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS.
“Để khắc phục thực trạng lao động huyện nghèo, lao động người DTTS sợ không dám đi làm việc ở nước ngoài, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần cung cấp thông tin về thị trường lao động ngoài nước; chính sách pháp luật hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời tư tăng cường tuyên truyền, tư vấn các thị trường phù hợp với từng vùng, từng địa phương, để lao động nắm bắt, lựa chọn. Bên cạnh đó, truyền thông gương sáng điển hình đi làm việc có hiệu quả, giúp lao động nghèo, lao động DTTS tự tin, đăng ký đi làm việc nước ngoài”, ông Liêm cho biết.
Phát huy vai trò “cánh tay nối dài” ở cơ sở
Trên thực tế, ở các huyện nghèo, bên cạnh một bộ phận lao động chưa nắm rõ chính sách hỗ trợ, thiếu thông tin về thị trường ngoài nước thì một bộ phận lao động người DTTS vẫn có tâm lý “sợ” đi làm việc ở nước ngoài như lời ông Liêm nói. Tâm lý này, ngoài xuất phát từ phong tục, tập quán của đồng bào DTTS (ngại xa gia đình, bản làng; ngại tiếp xúc với môi trường mới; thiếu tự tin về kỹ năng,…) thì nguyên nhân cũng do công tác truyền thống chưa được chú trọng, truyền thống chưa “trúng” nhu cầu.
Một điểm không khó để nhận thấy là, hiện không có nhiều các tấm gương lao động người DTTS ở các huyện nghèo, được hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước đi XKLĐ được tuyên truyền, biểu dương trên các phương tiện đại chúng. Phần lớn những gương “đi làm thợ, về khởi nghiệp” được phản ánh chủ yếu ở khu vực đồng bằng, hoặc ở miền núi nhưng không thuộc đối tượng hỗ trợ từ chính sách theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg (từ tháng 11/2019 được thực hiện theo Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg).
Ở chiều ngược lại, hiện tượng “vỡ nợ”, “vỡ mộng”, “ôm nợ” vì XKLĐ – dù chỉ được phản ánh với tần suất không nhiều trên một số diễn đàn, nhưng lại làm gia tăng thêm tâm lý “sợ” của lao động người DTTS ở các huyện nghèo. Với “độ phủ” của internet ở vùng đồng bào DTTS và miền núi như hiện nay, những thông tin không chính thống về thị trường, chính sách cũng như tương lai của XKLĐ sẽ khiến không ít lao động người DTTS không có niềm tin vào con đường này.
Do đó, việc Cục Quản lý lao động ngoài nước tăng cường phối hợp với các địa phương tổ chức cung cấp thông tin chính thống về XKLĐ cho lao động người DTTS ở các huyện nghèo là rất cần thiết. Đồng thời, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cần nghiên cứu, bổ sung thêm đối tượng tham gia chương trình tập huấn, cung cấp thông tin về lĩnh vực XKLĐ tại các huyện nghèo.
Theo dõi các lớp tập huấn được Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức trong tháng 10 vừa qua thì thấy, người được cung cấp thông tin mới dừng lại ở đội ngũ cán bộ thuộc các cơ quan chuyên môn của các huyện, các xã; cán bộ các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên). Cục Quản lý lao động ngoài nước đang bỏ sót một “cánh tay nối dài” rất hiệu quả là đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Theo Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/6/2022 của Ủy ban Dân tộc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, trong vùng đồng bào DTTS hiện có 29.567 Người có uy tín. Đây là đội ngũ có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Người có uy tín thực sự là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với đồng bào các DTTS trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự và đoàn kết các dân tộc”, Báo cáo số 855/BC-UBDT khẳng định.
Thực tế, đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS, bằng uy tín, kinh nghiệm và sự hiểu biết, am hiểu phong tục tập quán vàthực tiễn địa phương, khi được cung cấp thông tin đẩy đủ thì sẽ là “kênh” tuyêntruyền rất hiệu quả để thúc đẩy lĩnh vực XKLĐ ở các huyện nghèo. Hơn nữa, đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS thường xuyên được cập nhật thông tin thôngqua chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí. Do đó, Cục Quản lý lao độngngoài nước và các địa phương cũng cần tăng cường phối hợp tuyên truyền với nhữngcơ quan báo chí thực hiện chính sách dành cho Người có uy tín trong đồng bàoDTTS để đưa thông tin chính thống trong lĩnh vực XKLĐ về tận cơ sở.