Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thúc đẩy một ASEAN sẵn sàng cho tương lai hoà bình và thịnh vượng

PV - 16:00, 16/06/2021

Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+) lần thứ 8, các bên đã thông qua Tuyên bố Bandar Seri Begawan của ADMM+ về việc thúc đẩy một ASEAN sẵn sàng cho tương lai hoà bình và thịnh vượng; trong đó Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 nước đối tác, đối thoại đã một lần nữa khẳng định ASEAN là động lực thúc đẩy trong ADMM+.


Thượng tướng Phan Văn Giang (giữa), Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Thượng tướng Phan Văn Giang (giữa), Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Sáng 16/6, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+) lần thứ 8 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Thiếu tướng Pehin Datu Lailaraja Dato Paduka Seri Haji Md Yussof, Bộ trưởng Quốc phòng thứ 2 Bru-nây chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ADMM+ và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.

Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ quốc phòng làm Trưởng đoàn, dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng thứ 2 Bru-nây nhấn mạnh, với tư cách là Chủ tịch, Bru-nây thấy vinh dự vì sự hiện diện đông đủ của các nước thành viên, điều này thể hiện sự ủng hộ của tất cả các quốc gia đối với nhiệm kỳ Chủ tịch của Bru-nây; đồng thời đánh giá cao sự ủng hộ và cam kết lâu dài của tất cả các đối tác trên kênh quốc phòng này. Bộ trưởng Quốc phòng thứ 2 Bru-nây khẳng định sự hiện diện của các nước tiếp tục thể hiện quyết tâm của các quốc gia bất chấp các thách thức cũng như thể thức họp trực tuyến và sự khác biệt về múi giờ. Năm 2020 đánh dấu 10 năm thành lập ADMM+, đây chính là cột mốc quan trọng đối với ADMM và quan hệ với 8 nước đối tác đối thoại. Tuy còn nhiều khác biệt nhưng các nước tiếp tục khẳng định cam kết và bảo đảm chia sẻ tầm nhìn về một khu vực ổn định và thịnh vượng. Trên tinh thần đó, Bru-nây đã chọn chủ đề của ASEAN 2021 là “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị, chúng ta thịnh vượng”, đem đến cách tiếp cận toàn diện nhằm nắm bắt cơ hội lớn hơn để cùng hợp tác chặt chẽ với bạn bè và đối tác. Khi ADMM+ bước sang thập niên thứ 2 với tư cách là cơ chế quốc phòng trong bối cảnh còn nhiều thách thức, Bộ trưởng Quốc phòng thứ 2 Bru-nây bày tỏ tin tưởng các nước thành viên vẫn có thể tiếp tục duy trì động lực mạnh mẽ và tích cực của hợp tác thực chất đã được xây dựng trên cơ sở 7 nhóm chuyên gia ADMM+ (hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh biển, quân y, chống khủng bố, các hoạt động Gìn giữ hòa bình, hành động mìn nhân đạo, an ninh mạng); đồng thời hy vọng hội nghị ADMM+ lần này sẽ thành công tốt đẹp.

Tại Hội nghị, các đại biểu trao đổi về tình hình an ninh thế giới, khu vực, đặc biệt là các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống có ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực; đánh giá kết quả hợp tác trong khuôn khổ ADMM+ thời gian qua.

Đại biểu tham gia Hội nghị tại các điểm cầu
Đại biểu tham gia Hội nghị tại các điểm cầu

Về phần mình, Trưởng đoàn Việt Nam, Thượng tướng Phan Văn Giang nhận định tình hình an ninh khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh nước lớn diễn ra trên mọi khía cạnh, các thách thức an ninh phi truyền thống tiếp tục nổi lên và diễn biến phức tạp. Một trong những thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng nhất hiện nay là đại dịch COVID-19, điều này đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế, đặc biệt là các nước lớn, có tiềm lực khoa học, công nghệ và nguồn lực.

Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá cao chủ đề năm 2021 của Bru-nây, khẳng định sẽ ủng hộ các sáng kiến của Bru-nây đưa ra trong năm 2021, tiếp tục thúc đẩy các cam kết đã đạt được trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, đặc biệt là các sáng kiến nhằm phục hồi sau đại dịch COVID-19; đồng thời chia sẻ về vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong phòng, chống COVID-19.

Về an ninh biển và vấn đề biển Đông, Thượng tướng Phan Văn Giang tiếp tục đề cao tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên biển Đông, đề nghị các bên tránh có hành động làm ảnh hưởng đến lòng tin, làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế. “Làm được điều này, sẽ khẳng định rằng chúng ta là những nhà lãnh đạo quốc phòng vì hòa bình”, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập ADMM, Trưởng đoàn Việt Nam tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của ADMM cũng như sự đóng góp của ADMM và ADMM+ đối với hòa bình, ổn định khu vực; tin tưởng rằng, với tinh thần hữu nghị, thực tâm thông qua đối thoại và hợp tác thực chất, đúng như tôn chỉ từ những ngày đầu thành lập của ADMM và ADMM+, cơ chế hợp tác của chúng ta sẽ tiếp tục là động lực chính nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Kết thúc hội nghị, các bên đã thông qua Tuyên bố Bandar Seri Begawan của ADMM+ về việc thúc đẩy một ASEAN sẵn sàng cho tương lai hoà bình và thịnh vượng, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 nước đối tác, đối thoại (nước Cộng) đã một lần nữa khẳng định ASEAN là động lực thúc đẩy trong ADMM+, hợp tác chặt chẽ cùng các đối tác Cộng, trên tinh thần nâng cao trách nhiệm tập thể và không ngừng nỗ lực để thúc đẩy lòng tin.

18 vị Bộ trưởng cũng tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ ADMM+, trong đó về ứng phó với dịch bệnh, các nước ADMM+ sẽ tăng cường đóng góp của các cơ quan quốc phòng trong việc ngăn ngừa, phát hiện, kiểm soát và ứng phó với sự lây lan của các dịch bệnh truyền nhiễm, bao gồm COVID-19 và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận dụng năng lực của Nhóm chuyên gia ADMM+ về Quân y, Trung tâm Quân y ASEAN và Mạng lưới chuyên gia quốc phòng ASEAN về Hóa học, sinh học và phóng xạ.

Đối với việc ứng phó với các thách thức an ninh biển cũng như xử lý các vấn đề trên biển trong khu vực, các nước ADMM+ nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, cũng như sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, thực hiện tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động, tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không cưỡng ép, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)./.


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.