Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hôm 30/9 đã ghi nhận, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong hơn thập kỷ qua về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, Việt Nam đã tăng hơn 20 bậc, lên vị trí 48/132 quốc gia (năm 2021 xếp thứ 44), đứng thứ 3 Đông Nam Á. Việt Nam được đánh giá khá tốt ở thể chế, mức độ phát triển của thị trường, mức độ hoàn thiện kinh doanh và kết quả sáng tạo.
Xét trong khu vực, Báo cáo cho thấy, Việt Nam đứng thứ ba về cả tổng giá trị và số thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp. Vốn rót vào start-up Việt Nam năm 2021 chiếm 13% tổng đầu tư vào khu vực, tăng so với mức 8% của năm 2020.
Cùng với đó, Việt Nam xuất hiện thêm 2 kỳ lân công nghệ vào năm 2021 là MoMo (được định giá gần 2 tỷ USD) và Sky Mavis (được định giá gần 3 tỷ USD). Điều này minh chứng cho hiệu quả của cơ chế, chính sách và sự chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam.
Một đất nước mạnh là một đất nước sản sinh ra nhiều doanh nghiệp mạnh. Quá trình khởi nghiệp là một hành trình cả cuộc đời của doanh nhân, họ luôn tìm kiếm cơ hội, huy động nguồn lực và chấp nhận rủi ro để thực hiện hóa giấc mơ khởi nghiệp, tất cả vì mục tiêu tạo việc làm và sản sinh của cải cho xã hội.
TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia
Phát biểu tại Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022.
Theo ông Marco M. Aleman , Trưởng cơ quan hệ sinh thái ĐMST và sở hữu trí tuệ, Trợ lý - Đặc phái viên Tổng Giám đốc WIPO, GII được thiết kế làm công cụ hoạch định chính sách ĐMST cho các quốc gia trên thế giới. Năm 2022, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trong số các nước thu nhập trung bình thấp. Việt Nam là quốc gia đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về ĐMST trong 12 năm liền.
Trợ lý - Đặc phái viên Tổng Giám đốc WIP đánh giá, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đang trong quá trình tự tạo ra những sản phẩm ĐMST riêng của quốc gia mình. Những sáng kiến, tốc độ vượt bậc này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy ĐMST và tăng trưởng kinh tế - xã hội. WIPO sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam để giúp ĐMST là một yếu tố thúc đẩy tạo việc làm và tăng trưởng.
Cùng với xu thế của cả nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng đã và đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, hòa mình vào tiến trình ĐMST. Từ năm 2016 (năm được Chính phủ chọn là “Năm quốc gia khởi nghiệp”) đến nay, phong trào khởi nghiệp, ĐMST ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đang dần được đánh thức nhờ phát huy nội lực cùng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Dân tộc (UBDT).
Trong đó, UBDT đã xúc tiến thành lập “Mạng lưới các nhà cố vấn, đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS” do đích thân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Chủ tịch danh dự và chịu trách nhiệm kết nối với các đối tác cùng xây dựng chính sách có ý nghĩa và quan trọng này. Năm 2019, được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức quốc tế, UBDT đã phát động Cuộc thi “Ý tưởng chuỗi giá trị dành cho cộng đồng DTTS Việt Nam”. Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 sau 5 năm triển khai cũng đã góp phần thúc đẩy khởi nghiệp, ĐMST ở vùng đồng bào DTTS và miền núi…
Hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi là một nội dung quan trọng trong Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025. Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào DTTS.
Động lực để thúc đẩy khởi nghiệp, ĐMST ở vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng, của cả nước nói chung càng mạnh mẽ hơn khi Việt Nam đang là điểm đến của dòng đầu tư mạo hiểm. Tại Diễn đàn “Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2022” được Bộ Kế hoạch Và Đầu tư tổ chức sang 19/12, đại diện quỹ đầu tư quốc tế đánh giá khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang nổi lên như điểm đến tiềm năng cho các dòng vốn đầu tư trực tiếp và đầu tư mạo hiểm.
Tại diễn đàn này, ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures, nhận định: “Trong thập kỷ đầu tiên của hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á, Singapore và Indonesia là những động lực tăng trưởng hàng đầu, trong đó Singapore mang đến nguồn tài chính và con người, Indonesia mang đến một thị trường nội địa khổng lồ. Đến năm 2022, Việt Nam là trụ cột thứ ba của “tam giác vàng” này, mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa tài năng công nghệ hàng đầu, một văn hóa khởi nghiệp vốn có của Việt Nam và thị trường nội địa đang phát triển nhanh chóng. Việc kết hợp các yếu tố này với nhau đã giải thích được tại sao ngày càng có nhiều nhà đầu tư toàn cầu đặt cược lớn vào Đông Nam Á”.
Năm 2021, mặc dù chịu tác động bởi đại dịch Covid – 19 nhưng dòng đầu tư vào ĐMST ở Việt Nam cũng đạt những con số ấn tượng. Theo Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ được phát hành bởi NIC và Quỹ đầu tư mạo hiểm DO Ventures, năm 2021, tổng vốn đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam đạt mức kỷ lục 1,4 tỷ USD, tăng 4 lần so với năm 2020, cao gấp 1,6 lần so với con số kỷ lục của năm 2019 là 874 triệu USD. Tổng số giao dịch cũng tăng đáng kể, đạt 165 thương vụ, tăng 57% so với năm 2020.