Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm thông minh thích ứng với thiên tai, dịch bệnh

Vân Khánh- CĐ - 12:02, 17/07/2021

Biến đổi khí hậu, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, sản xuất lương thực thực phẩm (LTTP) bị ảnh hưởng, đời sống người dân nông thôn, nhất người nghèo, đối tượng yếu thế, đang gặp nhiều khó khăn. Bởi thế, việc thúc đẩy hệ thống LTTP thông minh thích ứng với thiên tai, dịch bệnh là hết sức cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, nhất là vùng dân tộc thiểu số và nhóm dễ bị tổn thương.

Ảnh hưởng bởi đại dịch khiến chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy. (Ảnh minh họa)
Ảnh hưởng bởi đại dịch khiến chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy. (Ảnh minh họa)

Bảo đảm an ninh lương thực

Nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn của nước ta. Nông nghiệp cũng là ngành kinh tế chủ lực, chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Năm 2020, ngành Nông nghiệp đóng góp 14,85% GDP của quốc gia.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đợt dịch Covid - 19 lần thứ 4, cũng như các lĩnh vực khác, sản xuất nông nghiệp của nước ta tiếp tục duy trì ổn định. Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt và rất sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng lúa vụ  đông xuân đạt 20,55 triệu tấn, tăng 3,4% (năng suất đạt 68,4 tạ/ha, tăng 2,6 tạ/ha); sản lượng thủy sản đạt 4.096,3 nghìn tấn, tăng 2,8%;…

Đáng chú ý là trong lĩnh vực chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm, đàn lợn cả nước tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020; chăn nuôi gia cầm tăng 5,4%... Với kết quả sản xuất trên, sản lượng LTTP hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, góp phần ổn định giá cả thị trường (giá thịt lợn hơn những tháng đầu năm đã ổn định trở lại và hiện dao động ở mức 64.000 - 69.000 đồng/kg tùy từng vùng).

Ngoài việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân, nông nghiệp Việt Nam còn có vai trò quan trọng trong hệ thống LTTP toàn cầu. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản Việt Nam đạt 41,53 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2021 đạt 24,23tỷ USD.

Đối diện thách thức “kép”

Sản xuất nông nghiệp của nước ta mặc dù vẫn duy trì mức tăng trưởng, nhưng hiện đang đối diện với nhiều thách thức thức, đặc biệt là dưới tác động của đại dịch Covid -19. Dịch bệnh khiến mọi lĩnh vực đều bị ảnh hưởng, thậm chí ảnh hưởng nặng chưa từng có. Với sản xuất nông nghiệp, đó là sự khan hiếm và tăng giá của hầu hết các nguyên liệu đầu vào, giá phân bón, hoạt chất BVTV tăng, giá thức ăn chăn nuôi đều tăng….

Ở chiều ngược lại, đầu ra cho sản phẩm nông sản, thực phẩm lại bị hạn chế, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến giá vận chuyển tăng. Việc kéo dài thời gian vận chuyển đến nơi tiêu thụ làm sản phẩm bị biến chất, hư hỏng, ảnh hưởng tới giá trị, ...

Cùng với thiên tai, thì dịch bệnh đã khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, sản xuất lương thực, an ninh lương thực bị ảnh hưởng. Đời sống của người nông dân, nông thôn, những người nghèo và đặc biệt là những đối tượng yếu thế, đang bị tác động lớn nhất do tình hình dịch bệnh và suy thoái kinh tế.

Ngay trong nội tại của ngành, hiện cũng đang còn nhiều điểm yếu, hạn chế khả năng thích ứng trước thiên tai, dịch bệnh. Đó là, nông sản của chúng ta chủ yếu ở dạng rau, thủy sản tươi sống, tiêu thụ ở dạng thô mà chưa qua chế biến; sản xuất chủ yếu ở quy mô hộ gia đình;…

Thiên tai khiến tài nguyên sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp. (Ảnh minh họa)
Thiên tai khiến tài nguyên sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm hơn. Đặc biệt, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đặt ra những thách thức lớn để bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng.

Tại buổi Đối thoại quốc gia lần thứ hai về Hệ thống LTTP của Việt Nam, diễn ra ngày 16/7/2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam đang là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì thế, cần có những hành động cụ thể để đẩy mạnh hợp tác, thúc đẩy hình thành và phát triển hệ thống LTTP thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững, đảm bảo an ninh lương thực; đồng thời đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tại buổi Đối thoại này, bà Rana Flower Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), Trưởng đại diện lâm thời Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) tại Việt Nam cho biết, thuật ngữ “hệ thống lương thực, thực phẩm” liên quan đến rất nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất sản phẩm, tiêu dùng, liên quan đến nhiều người như nông dân, bán hàng, tiêu dùng…

“Khi hệ thống này vận hành tốt, nó sẽ giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn và nếu nó bất ổn thì có thể đe dọa đến mọi lĩnh vực như giáo dục, y tế, kinh tế cũng như hòa bình, an ninh. Có thể thấy, qua mỗi đợt khủng hoảng, những người nghèo, yếu thế lại phải gánh chịu những tác động tiêu cực nhất”, bà Rana Flower nhấn mạnh.

Phát biểu tại Đối thoại, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia và các tác nhân nhằm tạo ra những thay đổi sâu rộng của cả hệ thống LTTP, qua đó giúp Việt Nam làm tốt hơn công tác xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em.

Theo Phó Thủ tướng, việc thúc đẩy hệ thống LTTP thông minh còn là cơ hội để kết nối, phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực của Việt Nam. Chính phủ sẽ chỉ đạo xây dựng lộ trình chuyển đổi hệ thống LTTP theo hướng minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, bảo đảm đạt các đầu ra về dinh dưỡng-sức khỏe, kinh tế-xã hội và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Theo dự kiến, Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống LTTP của LHQ sẽ diễn ra vào tháng 9/2021. Hội nghị thượng đỉnh năm 2021 của LHQ nhằm định hướng cho hệ thống LTTP được phát triển bền vững hơn, toàn diện hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn, tạo ra tác động đa chiều để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.