UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại các huyện có đồng bào DTTS rất ít người, gồm: Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai và Mộc Châu; các huyện, thành phố còn lại thực hiện lồng ghép công tác bình đẳng giới trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong giai đoạn 2018 - 2022, toàn tỉnh đã tổ chức 29 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức người dân về các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, với 2.500 người tham gia. Truyền thông bình đẳng giới qua hoạt động ngoại khóa tại 16 trường THCS tại các huyện; phát 25.400 tờ rơi với nội dung về giới tính, giới và bình đẳng giới. Xây dựng 4 mô hình điểm thúc đẩy bình đẳng giới và quyền năng kinh tế cho phụ nữ vùng DTTS tại huyện Quỳnh Nhai và Thuận Châu. Tổ chức 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện chính sách cho 70 cán bộ làm công tác dân tộc, ban giám hiệu các trường nội trú, bán trú các cấp, cán bộ xã, bản. Duy trì 90 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, 220 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 555 nhóm phòng chống bạo lực gia đình, 739 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 249 đường dây nóng ở cơ sở.
Tại huyện Mộc Châu, cùng với duy trì các mô hình phòng chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, huyện đã triển khai bình đẳng giới trên lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm cho người dân vùng đồng bào DTTS. Ông Hà Văn Cường - Trưởng phòng Dân tộc huyện Mộc Châu, cho biết: Từ năm 2018 đến nay, huyện đã phối hợp với các đơn vị tuyển dụng, giới thiệu việc làm cho hơn 6.300 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 55%. Hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho hơn 8.200 hộ. Đồng thời, xây dựng các mô hình kinh tế tiêu biểu do phụ nữ làm chủ về lĩnh vực nông nghiệp và du lịch tại xã Đông Sang, Chiềng Hắc và Mường Sang. Đến nay, huyện đã đạt 5/5 mục tiêu của Đề án.
Triển khai thực hiện Đề án, 5 năm qua, huyện Thuận Châu đã tổ chức 7 hội nghị truyền thông, 1.200 cuộc tư vấn cho 366.000 lượt người về pháp luật bình đẳng giới. Đồng thời, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Hội LHPN tỉnh triển khai 3 mô hình điểm thúc đẩy bình đẳng giới và quyền năng kinh tế cho phụ nữ vùng DTTS tại bản Tát Ướt, Ban Xa (xã Liệp Tè) và bản Nong Lay (xã Nong Lay).
Anh Quàng Văn Chồm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bình đẳng giới bản Ban Xa, xã Liệp Tè, thông tin: Câu lạc bộ có 85 hộ dân, 100% là dân tộc La Ha, định kỳ sinh hoạt theo quý. Nội dung sinh hoạt gồm nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, giao lưu văn nghề... Năm 2022, bản chỉ có 1 trường hợp tảo hôn.
Đến nay, toàn tỉnh đã đạt 3/5 mục tiêu của Đề án, gồm: 100% cán bộ làm công tác dân tộc, 50% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới và Người có uy tín, già làng, trưởng bản vùng DTTS được phổ biến, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; 80% số hộ gia đình đồng bào DTTS rất ít người được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đẳng giới; ít nhất 50% cán bộ làm công tác dân tộc ở huyện, xã được tập huấn kỹ năng lồng ghép giới trong soạn thảo văn bản và tổ chức thực hiện chính sách. Còn 2 mục tiêu chưa đạt là, 100% các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống bình đẳng giới; 30 - 50% các xã có đông đồng bào DTTS rất ít người sinh sống xây dựng mô hình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu chưa đạt. Trong đó, thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp; đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, triển khai công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ... hướng tới bảo đảm bình đẳng giới tại các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh.