Chợ phiên Nam Đông được tổ chức lần đầu vào cuối tháng 3/2023, tại Trung tâm Văn hóa huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế). Với quy mô 15 khu vực, gian hàng đến từ 50 doanh nghiệp, cơ sở địa phương gồm: Khu trưng bày bán sản phẩm OCOP; khu vực bán hàng ẩm thực của đồng bào các DTTS; khu bán sản phẩm nông, đặc sản của các địa phương; Khu bán hàng giải khát, đồ ăn vặt…
Lần đầu tiên tổ chức, chợ phiên Nam Đông đã khép lại với nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách. Đặc biệt, đối với đồng bào các DTTS ở huyện Nam Đông thì chợ phiên trở thành nơi bán những sản phẩm, sản vật mà mình đang có để nâng cao thu nhập.
Còn với du khách, đến chợ là cơ hội để trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các DTTS trên địa bàn. Đồng thời, du khách còn có dịp chọn lựa những sản phẩm, sản vật mang đậm hương vị của núi rừng do chính tay đồng bào Bru Vân Kiều, Tà Ôi… trồng trọt và sản xuất.
Sau thành công ở lần đầu tổ chức, chợ phiên Nam Đông được duy trì 2 lần/tháng vào các ngày Chủ nhật tuần giữa và tuần cuối tháng. Giờ đây, chợ phiên Nam Đông đã trở thành điểm hẹn của đồng bào các DTTS ở huyện và du khách thập phương. Đồng thời, trở thành kênh tiêu thụ nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ của đồng bào địa phương. Qua đó, góp phần hình thành thói quen sản xuất hàng hóa để gia tăng thu nhập cái thiện đời sống cho chính đồng bào các DTTS.
Chị Hồ Thị Hương, ở xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên tham gia chợ phiên để bán rau do gia đình tự trồng. Nếu trước đây, chỉ trồng để ăn thì nay gia đình chị chăm chút vườn rau hơn để kịp chu kỳ thu hoạch 2 lần/tháng. Cũng từ đó, gia đình chị có thêm đồng ra đồng vào để lo cho các con ăn học....
Chị Hồ Thị Hương chia sẻ: “Em bán các loại rau… mùa nào thứ ấy. Trồng được rau, củ, quả gì em bán thứ đó. Chợ phiên khách hàng nhiều hơn, nên nông sản đồng bào làm ra đều bán được.
Tại chợ phiên Nam Đông, các mặt hàng được bày bán chủ yếu là nông sản do đồng bào sản xuất như rau, chuối lùn, trứng gà…… Hàng thủ công mỹ nghệ do đồng bào sản xuất như thổ cẩm dệt Zèng truyền thống, rượu men lá, các loại bánh… Các món ăn truyền thống của đồng bào các DTTS như cơm lam, cá suối nướng, heo bản, gà bản, các loại rau rừng... đều là những món hàng được du khách ưa chuộng.
Ông Nguyễn Thái Hà, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) cho biết, mục tiêu của chợ phiên Nam Đông là kết nối và tiêu thụ các nông sản, đặc sản của bà con đồng bào các DTTS trên địa bàn. Từ đó, hình thành nền sản xuất quy mô lớn, quy mô hàng hóa trong các bản làng vùng cao để tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập cho bà con. Đồng thời, chợ cũng là điểm nhấn phát triển ngành Du lịch, đặc biệt là du lịch vùng DTTS.
Cũng như chợ phiên Nam Đông, chợ phiên A Lưới được duy trì họp vào ngày cuối tuần của tuần cuối hằng tháng. Hàng hóa ở chợ phiên A Lưới, ngoài nông sản còn có các mặt hàng tương đối đắt tiền như nấm lim xanh, thổ cẩm, mật ong rừng… Tất cả những mặt hàng này đều do đồng bào các DTTS tự sản xuất. Không chỉ người dân địa phương mà khách du lịch khi đến với A Lưới đều mong muốn được đến chợ phiên để mua sắm những sản vật của núi rừng.
Chị Hồ Thị Minh, một người bán hàng ở chợ phiên vùng cao A Lưới cho biết: Từ ngày bán ở chợ phiên mà chị có thêm nhiều khách quen. Lúc chợ không họp, chị lại bắt tay vào làm nhiều đơn hàng ship đi mọi miền Tổ quốc, trong đó thịt heo, trâu, bò gác bếp được ưa chuộng nhất. Ngoài đặc sản thịt gác bếp, chị còn bày bán các loại nếp than, gạo Ra dư, rượu sâm do đồng bào làm ra.
Từ hiệu quả thiết thực của chợ phiên vùng cao Nam Đông và A Lưới, để tiếp tục mở rộng đầu ra cho hàng nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ vùng DTTS, điển hình như là ngày 27 đến 29/7/2024, Hội Nông dân tỉnh thừa Thiên Huế cũng đã tổ chức phiên chợ vùng cao lần thứ nhất tại TP. Huế (Thừa Thiên Huế). Phiên chợ nhằm giúp hội viên nông dân là đồng bào các DTTS kết nối tiêu thụ những sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP.
Phiên chợ được bố trí các gian hàng hợp lý, thuận lợi cho người dân đến tham quan, mua bán các sản phẩm OCOP, nông sản, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, giới thiệu nghề truyền thống các DTTS địa phương trong tỉnh.
Nếu như trước đây, chợ phiên của đồng bào thường tự phát, bà con tập trung ở những khu đất rộng để trao đổi hàng hóa, giao lưu; thì nay, chợ phiên được chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức bài bản, quy mô cả về không gian, địa điểm, thuận lợi cho bà con trong việc bán hàng, nhiều nơi trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến với các địa bàn vùng cao.