Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thủ tướng: Tháo gỡ khó khăn, phân cấp, phân quyền tối đa để phát triển TP. Hồ Chí Minh

PV - 12:30, 26/11/2023

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 98, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát triển TP. Hồ Chí Minh trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phân cấp, phân quyền triệt để; giao các bộ, ngành khẩn trương trình Chính phủ 3 nghị định về các cơ chế đặc thù cho Thành phố liên quan tới cán bộ, công chức, cơ chế tài chính, phân cấp, phân quyền, trong đó nghiên cứu phân cấp tới cấp phường.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 98, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát triển TP. Hồ Chí Minh trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phân cấp, phân quyền triệt để - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 98, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát triển TP. Hồ Chí Minh trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phân cấp, phân quyền triệt để - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 26/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Cùng tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban Thường trực; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh.

Nghị quyết số 98/2023/QH15 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM về (i) quản lý đầu tư; (ii) tài chính, ngân sách nhà nước; (iii) quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; (iv) ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; (v) quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; (vi) tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố và Tp. Thủ Đức.

Bước khởi đầu tích cực với nhiều kết quả quan trọng

Các báo cáo và ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá, sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã tích cực, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, giao 20 nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Xây dựng và UBND TP. Hồ Chí Minh.

Chỉ trong thời gian ngắn gần 4 tháng triển khai từ khi Nghị quyết số 98, được sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, sự vào cuộc khẩn trương, toàn diện, tích cực của bộ máy các cấp, các ngành của TP. Hồ Chí Minh, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan Trung ương, việc triển khai Nghị quyết số 98 đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, quan trọng. Đây là bước khởi đầu tích cực để đẩy nhanh việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù đã được giao, tạo điều kiện cho Thành phố phát triển đột phá trong thời gian tới.

Các báo cáo và ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá, sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã tích cực, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các báo cáo và ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá, sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã tích cực, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nhiệm vụ các bộ, ngành Trung ương, đến nay đã hoàn thành 2/9 nhiệm vụ, hiện đang triển khai 3/9 nhiệm vụ và thực hiện thường xuyên 4/9 nhiệm vụ.

Các nhiệm vụ đã hoàn thành gồm: Ban hành Quyết định số 20/2023/QĐ-TTg ngày 10/8/2023 quy định việc phân cấp, trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh; ban hành Quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 về danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội Khóa XV thông qua.

3 nhiệm vụ đang triển khai gồm: (1) Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định quy định về lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT; quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân liên quan đến các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố; (2) Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường; (3) Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng văn bản của Chính phủ về việc chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với TP. Hồ Chí Minh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho Thành phố; về việc mở rộng việc phân cấp, ủy quyền cho HĐND và UBND Thành phố so với quy định hiện hành

UBND TP. Hồ Chí Minh đến nay đã hoàn thành 7 nhiệm vụ; cơ bản hoàn thành 4 nhiệm vụ. HĐND Thành phố đã thông qua 14 Nghị quyết cụ thể hoá việc triển khai 28 đầu việc theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố

Đáng chú ý là 6 Nghị quyết: Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND về điều chỉnh Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025; (2) Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa; (3) Nghị quyết số 79/NQ-HĐND ban hành Danh mục dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại Hợp đồng BOT; (4) Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển KTXH; (5) Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND quy định trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa có quy mô dưới 500 ha; (6) Nghị quyết số 80/NQ-HĐND thông qua Đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn.

UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 2856/QĐ-UBND của UBND Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 98, Chỉ thị số 27 của Thành ủy và Nghị quyết số 18 của HĐND Thành phố.

UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao các đơn vị thực hiện 53 nhiệm vụ; đến nay có 18/53 nhiệm vụ hoàn thành, 1/53 nhiệm vụ tạm hoãn thực hiện, 34/53 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện theo tiến độ chỉ đạo và có đề xuất điều chỉnh thời gian trình, nội dung liên quan phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng việc ban hành khung pháp lý hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị quyết 98 chưa kịp tiến độ đề ra. Một số chính sách đã có cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Một số chính sách cần thêm thời gian mới có thể triển khai được trên thực tế do phải tuân thủ các bước quy trình thủ tục như chính sách thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), thu hút nhà đầu tư chiến lược xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (do khu bến Cần Giờ chưa có chức năng cảng trung chuyển quốc tế theo quy hoạch hệ thống cảng biển).

Cùng với đó, một số chính sách chưa có quy định của pháp luật về trình tự thủ tục, cơ chế, nguồn vốn như chính sách về sử dụng điện mái nhà các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời; cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon…

Các nhiệm vụ còn lại tiếp tục được Thành phố và các cơ quan Trung ương triển khai theo chỉ đạo và có đề xuất điều chỉnh tiến độ, nội dung liên quan phù hợp với tình hình thực tế.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Nghị quyết 98 có tính đột phá cao nhất từ trước tới nay - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Nghị quyết 98 có tính đột phá cao nhất từ trước tới nay - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đột phá cao nhất, triển khai nhanh nhất từ trước tới nay

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Nghị quyết 98 có tính đột phá cao nhất từ trước tới nay. Việc Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 là có tính cách mạng rất cao, mới và chưa từng có.

Qua 125 ngày triển khai, đối chiếu lại thì Thành phố nhận thấy đây là lần triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất và cụ thể nhất trong số những lần triển khai các nghị quyết khác. Thành phố đã đạt được những kết quả nhưng cũng có một số mặt chưa kịp được tiến độ.

Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, thành lập Ban Chỉ đạo, chỉ đạo Đảng, đoàn, HĐND, UBND thực hiện phần việc được giao, đồng thời quán triệt trong toàn hệ thống chính trị, trong nhân dân tinh thần để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, cộng với đó là truyền thông, vận động rộng rãi trong toàn thành phố.

Ông Nên đề nghị trong tổ chức thực hiện, các thành viên Ban Chỉ đạo cần thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình. Yếu tố mang tính quyết định trong triển khai Nghị quyết là con người, nhân sự. Từ đó, ông Nên đề xuất TP. Hồ Chí Minh có thêm một phó chủ tịch UBND Thành phố chuyên sâu để chỉ đạo theo dõi các phần việc vì hiện tại bộ máy chính quyền hiện hữu của TP. Hồ Chí Minh đang bị quá tải.

Ban hành quy định khả thi để Thành phố có thể làm và yên tâm làm

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ TP. Hồ Chí Minh có bề dày truyền thống về sự năng động, sáng tạo, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, không gian phát triển rất lớn, được cả nước và quốc tế kỳ vọng lớn nhưng khung pháp lý, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp.

Nghị quyết 98 nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc về pháp lý này. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết thì suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Đây là Hội nghị đầu tiên của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Đây là Hội nghị đầu tiên của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cùng với đó, cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI và Nghị quyết 98 của Quốc hội. Bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng đánh giá cao UBND Thành phố (tổ công tác của Ban Chỉ đạo), Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, đã phối hợp với cơ quan liên quan chuẩn bị tốt nội dung cho Hội nghị; các báo cáo và ý kiến phát biểu của đại biểu đã đánh giá kết quả bước đầu, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Kết luận của Hội nghị, phân công nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, rõ ràng để thống nhất triển khai.

Khái quát những kết quả đã làm được trong triển khai Nghị quyết 98, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã có tư duy, nhận thức, cách tiếp cận ngày càng tốt hơn, phù hợp hơn; tạo động lực, niềm tin thúc đẩy phát triển TP. Hồ Chí Minh; góp phần giúp các bộ, cơ quan liên quan và TP. Hồ Chí Minh tự tin, hiệu quả hơn trong xây dựng các chính sách; một số công việc ban đầu đã triển khai có kết quả tích cực, góp phần giúp TP. Hồ Chí Minh đạt kết quả quý sau cao hơn quý trước, tháng sau tốt hơn tháng trước trong năm 2023, tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước.

Tuy nhiên, một số bộ, ngành vẫn có cách làm dè dặt do tư tưởng chưa thông. Để khắc phục, Thủ tướng nhấn mạnh, phải có tư tưởng tấn công, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, xóa bỏ thủ tục không cần thiết, vận dụng tốt nhất có thể các nội dung của Nghị quyết, phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn, thảo luận, bàn bạc có đầu ra để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ban hành quy định khả thi để Thành phố có thể làm được và yên tâm làm.

Cùng với đó, cách giải quyết các vướng mắc, khó khăn phải ở tầm cao hơn, mạnh mẽ hơn, như vấn đề đường sắt cho TP. Hồ Chí Minh phải giải quyết tổng thể, tập trung trọng tâm, trọng điểm, dành nguồn lực cho các dự án lớn mang tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, làm nhanh và tiết kiệm, chống lãng phí.

Khẩn trương trình các nghị định theo thủ tục rút gọn

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu các nghị định phải xây dựng, trình theo trình tự, thủ tục rút gọn, chậm nhất trong 1 tháng tới phải trình ban hành.

Trong đó, Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT và quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân liên quan đến hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố.

Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường của Thành phố.

Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ cho chủ trương xây dựng Nghị định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho Thành phố. Thủ tướng cho rằng với cả nước, có thể phân cấp, phân quyền tới cấp huyện, riêng TP. Hồ Chí Minh có thể phân cấp tới cấp phường, bởi một phường của TP. Hồ Chí Minh có thể có dân số bằng một huyện ở nơi khác, một quận của Thành phố có dân số bằng một tỉnh khác.

Về việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành hoàn thành xây dựng Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, trình Chính phủ trước ngày 31/12/2023. Thủ tướng nêu rõ tinh thần khuyến khích phát triển điện áp mái, tự cung, tự cấp, "ban hành chính sách để người ta không phải đi xin ở đâu cả", riêng quy định với TP. Hồ Chí Minh có thể thông thoáng hơn quy định chung cho cả nước.

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải rà soát, bổ sung chức năng khu bến cảng Cần Giờ tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, phối hợp với Thành phố thực hiện trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác tại Cần Giờ, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là về bảo vệ rừng ngập mặn, hoàn thành trong quý I năm 2024.

Về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo, xử lý các vấn đề liên quan.

Nhấn mạnh sông Sài Gòn là tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành, UBND TP. Hồ Chí Minh để cập nhật quy hoạch, khai thác sông Sài Gòn phát huy vai trò trục chính của Thành phố.

Thủ tướng cũng cho ý kiến về đề xuất của TP. Hồ Chí Minh liên quan tới chuẩn nghèo tại Thành phố; tỉ lệ vốn ngân sách nhà nước trong các dự án hợp tác công tư (nghiên cứu cụ thể với từng dự án như đường vành đai 3); đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành; thí điểm một số mô hình về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; xây dựng hạ tầng tuyến đường sắt đô thị; thiết lập giao dịch tín chỉ carbon tại TP. Hồ Chí Minh…

Tin cùng chuyên mục
Gia Lai: Bồi dưỡng chuyên môn truyền dạy văn hoá phi vật thể cho các nghệ nhân Gia Rai

Gia Lai: Bồi dưỡng chuyên môn truyền dạy văn hoá phi vật thể cho các nghệ nhân Gia Rai

Trong 2 ngày (19 và 20/11), tại huyện Ia Grai (Gia Lai), Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức Lớp “Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hoá phi vật thể” và “Mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các DTTS có di sản tương đồng”.