Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thủ tướng quán triệt mục tiêu ngăn chặn, hạn chế tối đa lây lan COVID-19 ra cộng đồng

PV - 14:26, 22/03/2020

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt mục tiêu ngăn chặn, hạn chế tối đa việc lây lan ra cộng đồng, tập trung thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống COVID-19.

Thủ tướng quán triệt mục tiêu ngăn chặn, hạn chế tối đa lây lan COVID-19 ra cộng đồng
Thủ tướng quán triệt mục tiêu ngăn chặn, hạn chế tối đa lây lan COVID-19 ra cộng đồng

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 118/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Thông báo nêu rõ:

1. Thủ tướng Chính phủ trân trọng thông báo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao và biểu dương toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có các ngành các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, cán bộ nhân viên y tế, lực lượng vũ trang đã nỗ lực, cố gắng, đoàn kết và quyết tâm cao thực hiện công tác phòng, chống dịch đạt kết quả bước đầu. Đây là thắng lợi của cả hệ thống chính trị ưu việt, nhân văn của nước ta, thể hiện sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

2. Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý các đánh giá tích cực về công tác phòng, chống dịch trong Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, của Văn phòng Chính phủ và các phát biểu của các Bộ, ngành, các đồng chí Phó Thủ tướng. Kết quả đạt được đến nay là đáng mừng. Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống dịch vẫn còn một số lỗ hổng, hạn chế, nguy cơ lây lan, bùng phát dịch vẫn rất cao; cần nghiêm túc khắc phục các tồn tại, không thỏa mãn với kết quả đạt được, luôn đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan và phải luôn chủ động, sẵn sàng mọi điều kiện ứng phó với mọi tình huống, chuẩn bị sẵn sàng một số phương án cụ thể, kể cả tình huống xấu nhất.

3. Công tác phòng, chống dịch đã bước sang giai đoạn mới, đòi hỏi quyết tâm cao hơn nữa, sự đoàn kết, trách nhiệm hơn nữa của cả hệ thống chính trị với các giải pháp mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, nhân dân, nhất là các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường vận động, khuyến cáo và thực hiện từ từng cơ quan, tổ chức, nhóm dân cư, gia đình và từng người dân về thay đổi mạnh mẽ các thói quen, nếp sinh hoạt để thích ứng với các yêu cầu phòng chống dịch bệnh như tăng cường giao dịch trực tuyến, hạn chế tập trung đông người, đeo khẩu trang tại các nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng; khuyến cáo người dân ít ra những nơi công cộng, hạn chế tối đa việc tập trung đông trên 50 người tại các đám cưới, đám hiếu; tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ giải trí như karaoke, mát-xa; vận động các tổ chức tôn giáo tu hành tại gia, không tiến hành các nghi lễ tập trung đông người.

Các cơ quan nhà nước tiếp tục dừng, hạn chế các cuộc họp không cần thiết, tăng cường họp trực tuyến, tích cực cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn trong xử lý công việc.

4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả mạng xã hội để đảm bảo ổn định xã hội, chú trọng thông tin về các kết quả tích cực, các mô hình tốt, sự chung tay của cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh; chủ động thông tin về kết quả điều trị, các ca tiến triển tốt, các ca mắc bệnh nặng để tránh hoang mang trong xã hội; thông tin nhiều hơn nữa về cách phòng tránh dịch bệnh, cảnh giác đối với dịch bệnh, tránh đưa các thông tin gây bi quan, sợ hãi hoặc kỳ thị đối với người mắc, người nghi mắc bệnh. Gắn kết với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu đưa thông tin khoa học tới cộng đồng.

5. Các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt mục tiêu ngăn chặn, hạn chế tối đa việc lây lan ra cộng đồng, tập trung thực hiện nghiêm các giải pháp sau đây:

a) Tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, áp dụng từ 0 giờ ngày 22 tháng 3 năm 2020. Riêng đối với trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt (khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao...), Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan thực hiện cấp thị thực (nếu cần) và các thủ tục kiểm tra, khai báo y tế bắt buộc tại khu vực riêng và được cách ly phù hợp tại cơ sở lưu trú theo đúng quy định. Cơ quan đại diện các nước tại Việt Nam có hình thức cam kết thực hiện giám sát y tế đối với công dân nước mình trong thời gian công tác ở Việt Nam.

Tạm dừng nhập cảnh vì lý do dịch bệnh đối với tất cả các trường hợp mang Giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân, áp dụng từ 0 giờ ngày 22 tháng 3 năm 2020. Giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc kiểm soát người nhập cảnh cả đường biển, đường thuỷ, đường bộ và đường hàng không.

b) Tiếp tục hạn chế kịp thời, tối đa và giãn cách các chuyến bay vận chuyển hành khách từ nước ngoài vào Việt Nam, kể cả đối với các hãng hàng không nước ngoài (vì dễ dẫn đến quá tải các khu cách ly). Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ngành hàng không thực hiện ngay, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến bay chở hành khách là người nước ngoài rời khỏi Việt Nam.

c) Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục vận động, khuyến cáo người Việt Nam ở nước ngoài (học sinh, sinh viên, người lao động, Việt kiều) hạn chế tối đa về nước trong thời điểm hiện nay và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch ở nước sở tại. Trường hợp thực sự có nhu cầu về nước phải đăng ký với Cơ quan đại diện để kịp thời phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ngành hàng không tổ chức theo từng chuyến bay thương mại và phải đăng ký, tuân thủ sự sắp xếp theo từng chuyến, đợt, thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, cách ly theo đúng quy định.

Người Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ đi công tác nước ngoài khi về nước phải tuân thủ thực hiện kiểm dịch, khai báo y tế tại cửa khẩu theo quy trình phòng chống dịch hiện nay và thực hiện yêu cầu cách ly bắt buộc theo đúng quy định.

d) Thực hiện cách ly tập trung đối với mọi trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, trừ trường hợp người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, người Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ đi công tác nước ngoài quay về nước và các trường hợp đặc biệt khác nêu tại điểm a mục 5. Xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp không chấp hành cách ly, không khai báo và hành vi tiếp tay cho các trường hợp trốn cách ly.

Giao Bộ Quốc phòng tiếp tục quản lý, điều phối các cơ sở cách ly tập trung. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, thành phố tiếp tục chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung và giao Bộ Quốc phòng tiếp nhận để tổ chức, điều phối việc cách ly tập trung trước ngày 25/3/2020, UBND thành phố Hà Nội chuẩn bị thêm các cơ sở đủ để cách ly 20.000 người, lưu ý lựa chọn các địa điểm gần sân bay, không ở trong các khu đông dân cư. Các tỉnh, thành phố khác được phân công cần tích cực có phương án chủ động các cơ sở cách ly.

Người nước ngoài là chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao… có giấy xác nhận không dương tính với virus COVID-19 do cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp và được Việt Nam chấp thuận được phép nhập cảnh và phải được cách ly chặt chẽ tại cơ sở lưu trú, bảo đảm các biện pháp an toàn, phòng chống dịch. Bộ Công an chỉ đạo đơn vị liên quan cấp hoặc gia hạn thị thực phù hợp cho các trường hợp này (bao gồm những trường hợp bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 không thể về nước, phải tiếp tục ở lại làm việc). Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương cấp phép lao động phù hợp cho các trường hợp trên.

UBND tỉnh, thành phố liên quan và ngành y tế giám sát chặt chẽ theo các yêu cầu phòng, chống dịch đối với các trường hợp trên khi làm việc tại Việt Nam.

đ) Chính quyền cơ sở, từ thôn bản, tổ dân phố, cảnh sát khu vực… tiếp tục rà soát các đối tượng có nguy cơ trong cộng đồng, nhất là trong số người đã nhập cảnh trong vòng 14 ngày qua nhằm phát hiện sớm nguồn lây bệnh, người có nguy cơ để có giải pháp kịp thời.

e) Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư cần thiết cho phòng, chống dịch, điều trị người mắc bệnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/3/2020; có phương án sẵn sàng huy động nhân lực bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, kể cả người đã nghỉ hưu, sinh viên trường y cho phòng, chống dịch; nâng cao hơn nữa năng lực xét nghiệm, chuẩn hóa các phòng xét nghiệm và quy trình xét nghiệm.

Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế đề xuất cụ thể việc thu phí (ăn, ở…) của các đối tượng cách ly, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp sau.

Bộ Công Thương chỉ đạo việc sản xuất khẩu trang, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước và dành một phần xuất khẩu theo Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ; cùng các ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.

g) Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước trong công tác phòng, chống dịch. Giao Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế xem xét, đề xuất cụ thể, trước mắt, xem xét việc nhà nước mua khẩu trang để viện trợ, hỗ trợ cho các quốc gia có đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

6. Về các đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia:

a) Đồng ý Bộ Quốc phòng mua sớm 10 xe xét nghiệm lưu động như đề nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia.

b) Các cấp, các ngành, đặc biệt Bộ Y tế và các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, có cơ chế giải quyết nhanh, kịp thời các vấn đề đặt ra. Giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia quyết định các giải pháp phòng, chống dịch cụ thể, sát đúng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định kịp thời các vấn đề lớn. Ban Chỉ đạo quốc gia sớm giải quyết chế độ cho nhân viên y tế, cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ cách ly.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.