Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đại dịch diễn biến nhanh, phải tăng tốc độ ứng phó

PV - 15:40, 18/03/2020

Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới rất phức tạp, đang xấu đi rất nhanh so với dự tính của nhiều chuyên gia trong nước và thế giới, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ, do đó chúng ta phải tăng cường tốc độ ứng phó.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đại dịch diễn biến nhanh, phải tăng cường tốc độ ứng phó. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đại dịch diễn biến nhanh, phải tăng cường tốc độ ứng phó. Ảnh: VGP/Đình Nam

Sáng 18/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-Cov-2) gây ra đã họp triển khai phương án phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận giải pháp kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh để ngăn chặn dịch từ ngoài lan vào trong nước; triển khai công tác tiếp nhận người nhập cảnh vào Việt Nam và tổ chức cách ly; chế độ tài chính phục vụ chống dịch; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ tổ chức điều trị; phân loại các nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao (người già, người có bệnh nền, người dễ bị lây nhiễm, người khuyết tật, yếu thế…) để theo dõi y tế tại cơ sở; tăng cường tập huấn cho đọi ngũ y bác sỹ, nhất là những bài học kinh nghiệm trong điều trị các dịch bệnh SARS, cúm H1N1 trước đây; phương án bảo đảm điều trị cho bệnh nhân mắc những loại bệnh khác, bệnh mãn tính...

Nhiều ý kiến cũng thống nhất nhận định, thực tiễn chống dịch thời gian qua đã khẳng định tất cả nguyên tắc, chủ trương, chỉ đạo chống dịch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo thời gian qua là đúng đắn. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, đang xấu đi rất nhanh so với dự tính của nhiều chuyên gia trong nước và thế giới, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ, do đó chúng ta phải tăng cường tốc độ ứng phó.

Theo đó, thời gian tới chúng ta cần tiếp tục kiên trì thực hiện các nguyên tắc: Chủ động ngăn ngừa;phát hiện sớm; cách ly kịp thời; khoanh vùng gọn; dập dịch triệt để; điều trị khỏi bệnh.

Đồng thời, cần hợp tác chặt chẽ với các nước, triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn nguồn dịch lây lan từ bên ngoài vào trong nước trên tinh thần vừa mềm dẻo, vừa cương quyết. Tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp phát hiện nhanh nhất nguồn bệnh, để cách ly, điều trị; kêu gọi người dân cùng chung sức đồng lòng ngăn chặn dịch bệnh.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Giao thông Vận tải khuyến cáo, người Việt Nam ở nước ngoài nên cân nhắc kỹ lưỡng việc trở về nước. Do tình hình di chuyển bằng đường hàng không giữa các nước hiện nay rất khó khăn. Nhiều nước siết chặt việc xuất nhập cảnh; có thể đưa ra quyết định đơn phương về việc dừng, thay đổi chuyến bay.

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia y tế nêu rõ, việc di chuyển đến sân bay và trên máy bay, khả năng lây nhiễm dịch bệnh rất cao nên người dân cần thận trọng khi di chuyển. Do đó, Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải thống nhất, ngành hàng không Việt Nam phải đảm bảo an toàn theo hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế. Do đó, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất cho rằng người Việt Nam ở nước ngoài nên thực hiện nghiêm các khuyến cáo, hướng dẫn y tế của chính quyền nước sở tại. Trường hợp thực sự phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta luôn nỗ lực hết sức để thực hiện các biện pháp cần thiết, lo cho bà con một cách tốt nhất có thể.

Ảnh: VGP/Đình Nam
Ảnh: VGP/Đình Nam

Sẵn sàng tiếp nhận, cách ly hàng vạn người

Về chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết, theo kế hoạch mới nhất quân đội đã chuẩn bị 140 khu cách ly với 44.718 chỗ. Tổng số người cách ly từ đầu dịch đến giờ mới đạt hơn 21.000 chỗ. Trong số này, khoảng 14.000 người đã hoàn thành cách ly. Tính đến 6 giờ sáng nay (18/3), quân đội hiện đang cách 6.986 người.

Như vậy, các khu cách ly của quân đội hiện đã sẵn sàng cơ sở vật chất để tiếp nhận gần 38.000 người vào cách ly. Đồng thời, quân đội cũng đã xây dựng kế hoạch dự phòng, có thể huy động thêm 10.000-20.000 chỗ để sẵn sàng tiếp nhận tổ chức cách ly tập trung theo quy định.

Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thảo luận việc chuẩn bị cơ sở lưu trú, quy trình thực hiện tổ chức cách ly tại khách sạn có thu phí đối với các chuyên gia, người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp, dự án quan trọng,...

Đồng thời, Ban Chỉ đạo giao các Bộ: Y tế, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng,… xây dựng quy định hiệp đồng tổ chức hiệu quả việc tiếp nhận hành khách nhập cảnh tại các cảng hàng không về cách ly y tế theo quy định.

Tại Việt Nam, tính đến 21 giờ ngày 17/3, đã ghi nhận 66 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 16 người đã được điều trị khỏi và xuất viện. Đến nay, chúng ta đã thực hiện tổng số 9.696 mẫu xét nghiệm.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cũng cho biết, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 31.659 người; trong đó 2.543 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 6.299 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 22.817 người đang được cách ly tại nhà, nơi cư trú.

Hiện có 50 bệnh nhân mắc COVID-19 (32 người Việt Nam, 18 người nước ngoài) đang được điều trị tại 10 bệnh viện trong cả nước. Theo báo cáo tình hình sức khoẻ bệnh nhân của các bệnh viện, hiện có 2 bệnh nhân diễn biến nặng.

Xét nghiệm và cách ly là biện pháp tốt nhất lúc này

Thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh từ Bộ Y tế cho thấy, hiện dịch đã lan ra 166 quốc gia/vùng lãnh thổ, với 198.178 người mắc COVID-19, trong đó 7965 người tử vong.

Số ca bệnh tiếp tục tăng mạnh tại các nước châu Âu và Mỹ. Đặc biệt tại một số quốc gia như: Italy số người mắc bệnh đã tăng lên 31.506, với 2.503 người tử vong; Tây Ban Nha ghi nhận 11.826 trường hợp mắc, 533 người tử vong; Đức 9.367 người mắc, 26 người tử vong; Pháp 7.730 người mắc, 175 người tử vong; Hoa Kỳ 6.439 người mắc, 109 người tử vong; Thuỵ Sỹ 2.742 người mắc, 27 người tử vong; Anh 1.950 người mắc, 71 người tử vong;….

Diễn biến dịch bệnh tại các nước: Na Uy, Thuỵ Điển, Hà Lan, Bỉ, Áo, Đan Mạch cũng rất phức tạp.

Tại Đông Nam Á, Malaysia đã ghi nhận 673 trường hợp mắc COVID-19, 7 người tử vong; Singapore có 266 người mắc bệnh…

Ngày 16/3, Tổng Giám đốc WHO đã đưa ra khuyến nghị mới nhất, trong đó khẳng định xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm, sau đó tổ chức cách ly là biện pháp tốt nhất kiềm chế sự lan rộng của dịch COVID-19 trong thời điểm này./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.