Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; một số viện khoa học, đơn vị liên quan công tác nghiên cứu, sản xuất vaccine.
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp trên thế giới và khu vực. Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, qua nghiên cứu thực tế cho thấy, chúng ta phải có vaccine ngừa Covid-19 và ý thức người dân. Ý thức là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, tự mình bảo vệ mình. Dịch Covid-19 nguy hiểm, lây lan nhanh nhưng có thể tránh được nếu có ý thức bảo vệ tốt. Qua 2 năm, chúng ta rút ra được nhiều kinh nghiệm, nguyên lý chống dịch như 5K + vaccine, thuốc + biện pháp điều trị + công nghệ + ý thức người dân.
Tuy nhiên, tiêm vaccine rồi không có nghĩa là không bị nhiễm, nhưng phải có vaccine bởi có tính chất quyết định và phải "đi 2 chân": vừa nhập khẩu, vừa chủ động nghiên cứu sản xuất trong nước. Chúng ta phải cơ bản hỗ trợ vai trò Xét nghiệm nhanh, tư nhân, hợp tác công tư để hiệu quả, kịp thời các cơ quan đơn vị liên quan phải cố gắng, tất cả vì mục tiêu chung, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân. Chúng ta phải bàn để nhanh chóng sản xuất vaccine trong nước kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả. Cần rà soát xem cần tháo gỡ vướng mắc gì để nhanh chóng có vaccine sản xuất trong nước. Phải đặt mục tiêu sản xuất bằng được vaccine trong nước, phát triển công nghiệp dược, tăng cường năng lực y tế bằng hình thức nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, trao đổi hợp tác... Phải chống mọi tiêu cực, chống mọi sách nhiễu liên quan sản xuất, chuyển giao công nghệ. Đây là yêu cầu khắt khe trên cơ sở luật pháp, quy định hiện hành, điều kiện của Việt Nam.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, chúng ta rất cần sớm có vaccine nhưng phải bảo đảm được các yếu tố trên, nhất là đặc biệt coi trọng yếu tố an toàn phải bảo đảm công khai, minh bạch, chân thành, tin cậy, bình tĩnh, hết sức trách nhiệm vì liên quan sức khỏe, tính mạng con người; không vội vàng nhưng không trì trệ, không chịu bất cứ sức ép, tác động nào, không thể để xảy ra tình trạng “chạy chỗ này, chỗ kia”, thông tin về vaccine sản xuất trong nước không để bị “méo mó”. Các đơn vị sản xuất phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc này.
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam có 9 loại vaccine được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp (2 vaccine mRNA; 3 vaccine vector virus; 3 vaccine bất hoạt; 1 vaccine protein tái tổ hợp). Đến ngày 25/11, cả nước đã tiêm được khoảng 116,4 triệu liều; trong đó có 69 triệu liều mũi 1 và 47,4 triệu liều mũi 2. Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 113,5 triệu liều, trong đó có 66,5 triệu liều mũi 1 và 47 triệu liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 92,2% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 65,2% dân số từ 18 tuổi trở lên. Đối với trẻ từ 12-17 tuổi, đến nay đã có 28 tỉnh triển khai, tiêm được 2,9 triệu liều, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 27,9% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 4%.
Trong điều kiện cấp thiết cần có vaccine cho nhu cầu phòng chống đại dịch Covid-19, song song với các nỗ lực đàm phán mua vaccine từ các nhà sản xuất nước ngoài, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính về nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19 trong nước, Bộ Y tế đã tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp trong nước.
Để có thể sớm cấp phép vaccine phòng Covid-19 sản xuất trong nước khi có kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine nghiên cứu theo khuyến cáo của WHO, trên cơ sở Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BYT hướng dẫn đăng ký lưu hành vaccine phòng Covid-19 trong trường hợp cấp bách. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn chuyên môn về xem xét tính an toàn và hiệu quả bảo vệ phục vụ đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine phòng Covid-19 sản xuất trong nước./.