Theo chương trình, Chính phủ sẽ xem xét, cho ý kiến đối với 5 nội dung, trong đó có 3 dự án Luật gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi) và 2 đề nghị xây dựng luật gồm: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi).
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng thể chế, thời gian qua, tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã tích cực, phát huy tinh thần trách nhiệm cao, triển khai đồng bộ, hiệu quả đột phá chiến lược về thể chế, với nhiều đổi mới, kết quả nổi bật, có tính lan tỏa cao.
Trong năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề; trình Quốc hội thông qua 16 luật, trong đó có luật hết sức quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bất động sản, Luật Nhà ở….; Chính phủ ban hành 29 nghị quyết, cho ý kiến đối với 10 dự án luật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 127 văn bản quy phạm pháp luật...
Năm 2024 và thời gian tới Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế ngày càng nặng nề do công việc thường xuyên ngày càng nhiều hơn, những tồn đọng kéo dài cần xử lý, tình hình đột xuất, bất ngờ khó lường… đòi hỏi phải có chính sách mới phù hợp tình hình và chất lượng xây dựng pháp luật ngày càng phải cao hơn.
Trong năm 2024, Chính phủ tiếp tục triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2025, điều chỉnh chương trình năm 2024; tổ chức thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội thông qua năm 2023, có hiệu lực vào 2024, sao cho không còn để nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành; rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các quy định pháp luật mới nhằm thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khơi thông, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi…
Cho rằng phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2024 với 5 nội dung, đều là những nội dung quan trọng, khó, có tác động kinh tế - xã hội sâu rộng, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung thảo luận về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan truyền thông ưu tiên thời lượng nhiều hơn nữa cho công tác tuyên truyền xây dựng pháp luật, truyền thông chính sách, giáo dục kỹ năng cho nhân dân, nhất là tranh thủ ý kiến xây dựng pháp luật của các đối tượng chịu tác động, các chuyên gia, nhà khoa học, kinh nghiệm quốc tế...