Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ tiếp sức để đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp phát triển

PV - 15:05, 12/10/2022

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 12/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và tuyên dương doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương, các hiệp hội doanh nghiệp và đông đảo các doanh nhân.

Diễn văn kỷ niệm do Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, cách đây 77 năm, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công Thương và 18 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Cộng đồng doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh và nhận thức rõ sứ mệnh của mình với mục tiêu và khát vọng của dân tộc.

Trong 2 năm 2020-2021, cùng với cả nước, các doanh nghiệp, doanh nhân phải gồng mình chống chọi với đại dịch COVID-19. Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã nêu tấm gương sáng về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, trách nhiệm xã hội, khi vừa lo duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, vừa lăn xả hỗ trợ công tác phòng, chống đại dịch.

Trong đó, có doanh nhân đã cùng doanh nghiệp của mình ủng hộ trị giá tới trên 1.200 tỷ đồng cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Đội ngũ doanh nhân đóng góp quan trọng vào những kết quả phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thời gian qua, nhất là kết quả rất tích cực của 9 tháng năm 2022.

Chủ tịch VCCI mong muốn và kêu gọi các doanh nhân luôn nêu cao tinh thần dân tộc, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, cùng hun đúc và lan tỏa các giá trị đạo đức doanh nhân, xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia hùng cường, thịnh vượng; tiếp tục thể hiện trách nhiệm, phát triển bền vững doanh nghiệp của mình và dẫn dắt cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Thay mặt các doanh nhân, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải bày tỏ biết ơn sự quan tâm, tạo điều kiện, động viên mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành cho doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, nhất là trong và sau đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ tiếp sức để đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp phát triển 1

Trong hai năm qua, thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, mỗi doanh nhân Việt Nam là một chiến sĩ quả cảm, nỗ lực chiến thắng dịch bệnh, phát triển doanh nghiệp nói riêng và góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội đất nước nói chung.

Doanh nhân Việt Nam nguyện tiếp tục gương mẫu, thượng tôn pháp luật, phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo vệ môi trường; thực hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp; trên hết là tinh thần yêu nước, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ phấn khởi và niềm tin cùng cả nước và đội ngũ doanh nhân về những kết quả phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong bối cảnh khu vực và thế giới còn nhiều khó khăn thời gian qua, nhất là kết quả rất tích cực của 9 tháng năm 2022.

Thủ tướng chỉ rõ, trong 2 năm qua, trước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ của tình hình thế giới và khu vực, chúng ta vẫn duy trì ổn định vĩ mô; kiểm soát được lạm phát; các cân đối lớn được bảo đảm; tình hình kinh tế-xã hội nước ta khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều chỉ số vượt kế hoạch đề ra:

GDP quý III tăng cao 13,67%; 9 tháng đầu năm tăng 8,83%; các ngành, lĩnh vực kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh; số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 9 tháng là trên 163.000, gấp 1,44 lần số doanh nghiệp rút lui; xuất siêu hơn 6,5 tỷ USD.

Cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng. An sinh xã hội, trật tự an toàn được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh, xử lý hài hòa, phù hợp...

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, những kết quả đạt được là do sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự tham gia vào cuộc tích cực, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Đặc biệt có sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam - những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, tỏa sáng truyền thống "Tâm-Tài-Trí-Tín" của doanh nhân Việt Nam, kiên cường đồng hành cùng đất nước vượt qua khó khăn, thử thách và tận dụng thời cơ, thuận lợi để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong tình hình mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; khẳng định đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của Cách mạng Việt Nam.

Theo Thủ tướng, nhờ quan điểm và đường lối đúng đắn trong xây dựng, phát triển đất nước và đội ngũ doanh nhân "... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay..." như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói. Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP 20 của thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện; là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng cho biết, hiện nay Việt Nam có hơn 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển và nâng cao về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động; thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước, mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới…

Bên cạnh đó, có những doanh nhân lọt vào nhóm các "tỷ phú USD" và xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao tặng danh hiệu tôn vinh các doanh nhân được vinh danh Top 10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu nhất. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao tặng danh hiệu tôn vinh các doanh nhân được vinh danh Top 10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu nhất. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, gắn bó hơn "sỹ, nông, công, thương", góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ doanh nghiệp nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng đất nước, vượt qua khó khăn, tự lực, tự cường, hỗ trợ lẫn nhau, nỗ lực thích ứng linh hoạt để duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Phát huy truyền thống "chia ngọt, sẻ bùi", "tương thân, tương ái", cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, cộng đồng, đóng góp lớn vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 và ủng hộ vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam với đất nước, với nhân dân.

Theo Thủ tướng, Đại hội XIII của Đảng đặt ra những mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đại hội XIII cũng đã đề ra nhiệm vụ: "Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…" và đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.

Sau khi phân tích, dự báo tình hình trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp sức cùng với đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp không ngừng phát triển cả về lượng và chất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Chính phủ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế theo hướng bảo đảm ổn định trong điều kiện có nhiều bất định; chủ động thích ứng linh hoạt, hiệu quả trước những diễn biến phức tạp, khó lường; kiên định, nhất quán, bản lĩnh, tự tin trong điều hành trước sự biến động, tác động nhiều chiều từ thế giới và trong nước; có biện pháp kiểm soát rủi ro, ứng phó kịp thời với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng từ bên ngoài; giải quyết hài hòa giữa hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập sâu rộng.

Theo đó, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp, hướng tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp bối cảnh, tình hình mới; loại bỏ những quy định không còn phù hợp; thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển; tạo điều kiện để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia thực hiện các dự án, công trình, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội theo hình thức hợp tác công-tư; khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, bảo đảm chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc...

Thủ tướng Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người kinh doanh; hoạt động sản xuất kinh doanh, tuân thủ đúng pháp luật, quy định của Nhà nước; thể hiện mạnh mẽ vai trò xung kích, chiến sĩ đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Thủ tướng nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt các nguồn lực để đón nhận, tạo đột phá cho phát triển doanh nghiệp, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc; thực hiện đầy đủ quyền lợi cho người lao động, đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thủ tướng yêu cầu VCCI phát huy truyền thống gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, đồng hành cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, không ngừng nỗ lực, đổi mới sáng tạo, phát huy tốt vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, người sử dụng lao động và các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam.

Các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giúp đỡ, cùng vượt qua khó khăn, thích ứng với giai đoạn mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, khả năng sáng tạo, thích ứng, tầm nhìn, khát khao vươn lên, tinh thần đoàn kết của người Việt Nam, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững.

Tại Lễ kỷ niệm, Ban Tổ chức đã tôn vinh và trao tặng danh hiệu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 cho 60 doanh nhân. Những doanh nghiệp này năm 2021 có doanh thu trên 1,2 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 722.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 148.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 70.000 tỷ đồng và số lao động trên 251.000 người.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp trao tặng danh hiệu cho 10 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu nhất gồm:

1. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

2. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải.

3. Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 11, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thành An, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty 789.

4. Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn GELEXIMCO.

5. Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH.

6. Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG - BRG GROUP.

7. Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái Holdings.

8. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.

9. Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC.

10. Ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Minh Long l.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trao tặng 16 nhà cho người dân huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, vừa bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua; trao 212 nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở trên toàn quốc./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.