Thủ tướng nêu rõ, tiền đề xây dựng Chính phủ điện tử là cơ sở dữ liệu quốc gia đã có, nhiệm vụ trước mắt là hoàn thiện cơ sở dữ liệu này và đặc biệt là phải thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng phi tập trung. Đây là giải pháp phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh nước ta có quá nhiều các hệ thống thông tin các cấp nhưng không kết nối và chia sẻ dữ liệu được với nhau.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã báo cáo về kinh nghiệm triển khai chính phủ điện tử của một số quốc gia như Estonia, Pháp và Malaysia, những nước đã đạt được những thành tựu nhất định trong triển khai Chính phủ điện tử.
Trong đó, Estonia đã cung cấp 99% dịch vụ thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp và thiết lập các hệ thống quản lý đăng ký công dân, hệ thống xác thực thông qua mã số công dân điện tử eID.
Tại Pháp, Chính phủ nước này cũng xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống liên kết định danh quốc gia cho phép kết nối giữa các dịch vụ công trực tuyến với một lần đăng nhập duy nhất.
Estonia xây dựng nền tảng x-Road để kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan Nhà nước. Nhờ đó, giúp tiết kiệm lượng thời gian tương ứng 800 năm/năm; việc cấp giấy thành lập doanh nghiệp chỉ mất 18 phút.
Đánh giá cao các kinh nghiệm này, các thành viên dự họp cho rằng, việc quan trọng nhất hiện nay, cần sớm triển khai là biện pháp kết nối dữ liệu liên thông giữa các cơ quan Nhà nước. Trước mắt, có thể cho phép kết nối dữ liệu của ngành thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội.
Hiện cả nước đã có 9.000 xã, phường đã có cổng điện tử, và nếu truy cập được các dữ liệu này thì rất thuận lợi trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng cho rằng cần gắn việc xây dựng Chính phủ điện tử với cải cách và cung cấp các dịch vụ công qua nền tảng số hóa. Văn phòng Chính phủ kiến nghị Chính phủ xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia và triển khai Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Cùng với đó là thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử.
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu không xây dựng Chính phủ điện tử thì Việt Nam sẽ chậm phát triển. Thủ tướng cho rằng, xây dựng Chính phủ điện tử chậm trễ, năng suất sẽ thấp và tụt hậu. Do đó phải quyết tâm cao và có biện pháp kỹ thuật tốt hơn nữa.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thông qua xây dựng Chính phủ điện tử để góp phần chống tham nhũng tiêu cực, nhũng nhiễu với nhân dân. Thông qua Chính phủ điện tử, Chính phủ sẽ cải cách, đổi mới, đặc biệt là cải cách hành chính, một nhiệm vụ rất lớn để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi ở Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các tỉnh thành cả nước đều phải tham gia xây dựng Chính phủ điện tử. Theo Thủ tướng, đến thời điểm này, chúng ta phải đổi mới cách làm đối với việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam với những giải pháp cốt lõi để nâng cao hiệu quả xây dựng Chính phủ điện tử, hiệu quả quản trị công.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đồng ý thành lập một Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin về xây dựng Chính phủ điện tử; nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và dữ liệu mở. Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban và trực tiếp chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử.
Về các nhiệm vụ trước mắt, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, nhất là thể chế về việc kết nối phi tập trung về chia sẻ dữ liệu, cởi mở thông tin hiện vẫn chưa có. Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
PV (T/H)