Hội nghị còn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân,… Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cùng lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng tham dự Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và vị thế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đối với nền kinh tế, xã hội của cả nước. Thủ tướng cho rằng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng phát triển năng động nhất của cả nước. Những con số đóng góp như GDP, thu ngân sách, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập bình quân đầu người… cho thấy vị trí quan trọng của vùng kinh tế động lực của cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với 24 tỉnh, thành phố, chiếm 27,3% diện tích tự nhiên, 27% dân số nhưng đóng góp 89% GDP của cả nước. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Đối với 8 tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm 8 tỉnh là TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang), các nhà nghiên cứu, các học giả đều nhận thấy, đây là vùng có lợi thế phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là khoa học, công nghệ cao, công nghệ thông tin, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao. Cơ sở hạ tầng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được xây dựng đồng bộ hơn so với các vùng kinh tế trọng điểm khác; là vùng duy nhất của cả nước có lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn thể hiện ở đội ngũ cán bộ giàu sáng tạo, năng động, nhiệt tình. Đây cũng là nơi khởi nguồn cho những đột phá trong phát triển, trong thực hiện chính quyền điện tử, xây dựng trung tâm hành chính công…
Thủ tướng lưu ý vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; cơ chế chính sách phát triển vùng chưa hoàn thiện, chưa có tính đột phá, thậm chí còn nhiều khó khăn; liên kết giữa các địa phương, liên kết vùng vẫn còn manh mún, mạnh ai nấy làm. Các chỉ số PAPI, PCI của các địa phương trong vùng chưa cao, mặc dù đây là vùng kinh tế động lực của cả nước. Cơ chế tổ chức điều hành vùng vẫn còn nhiều bất cập, chưa khoa học hợp lý.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục giữ vai trò là đầu tàu dẫn dắt, phát triển mạnh và bền vững; tiếp tục đổi mới sáng tạo, cần có tầm nhìn xa hơn, tận dụng cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, phải có cơ chế chính sách đặc thù để tạo bước phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng; phối hợp tốt hơn nữa hoạt động điều phối vùng giữa các bộ, ngành và địa phương. Cùng với đó, cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; chú ý đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.
BẰNG GIANG