Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thủ tướng khảo sát một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại Bình Dương

PV - 12:22, 03/12/2022

Sáng 3/12, trong chương trình chuyến công tác tại Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát, kiểm tra, đôn đốc một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn.

Thủ tướng nghe báo cáo tuyến đường cao tốc TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nghe báo cáo tuyến đường cao tốc TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Bình Dương.

1. Thủ tướng khảo sát, nghe báo cáo tuyến đường cao tốc TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành.

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án.

Dự án có tổng chiều dài tuyến là 69 km, từ nút giao Gò Dưa–TPHCM đến Quốc lộ 14-tỉnh Bình Phước; gồm: Đoạn qua TPHCM dài 1,65 km, đoạn qua Bình Dương dài 60,25 km (đã đầu tư 14,5 km với quy mô 6-8 làn xe), Bình Phước dài 7 km (chưa đầu tư).

Theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), UBND tỉnh Bình Dương giao cơ quan lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

2. Thủ tướng khảo sát, nghe báo cáo tuyến đường sắt Bàu Bàng-Thị Vải, Cái Mép; quy hoạch tuyến Metro Suối Tiên-Thành phố Mới Bình Dương–Bàu Bàng; điều chỉnh vị trí quy hoạch ga An Bình và ga Dĩ An.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Bình Dương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến Bàu Bàng-Cái Mép, gồm 03 đoạn: Bàu Bàng-An Bình (Dĩ An), An Bình-Phước Tân (Biên Hòa) và Phước Tân-Cái Mép. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 02 đoạn: An Bình (Dĩ An)-Phước Tân (Biên Hòa) và Phước Tân-Cái Mép.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Bình Dương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến Bàu Bàng-Cái Mép - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Bình Dương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến Bàu Bàng-Cái Mép - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

3, Thủ tướng khảo sát, nghe báo cáo về tuyến Vành đai 3 TPHCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương.

Dự án đường vành đai 3 TPHCM được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022.

Chính phủ đã có Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/8/2022 triển khai Nghị quyết 57/2022/QH15; trong đó xác định rõ tiến độ triển khai các nội dung công việc (theo đó phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023; 30/6/2026 hoàn thành).

Tỉnh Bình Dương có 2 dự án thành phần: Dự án thành phần đầu tư xây dựng dài 11,43 km, tổng mức đầu tư khoảng 5.752 tỷ đồng; dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có tổng mức đầu tư khoảng 13.528 tỷ đồng.

Theo báo cáo của tỉnh, dự kiến khởi công theo đúng kế hoạch chung (ngày 30/6/2023).

4. Thủ tướng khảo sát, nghe báo cáo về tuyến đường Hồ Chí Minh và Khu công nghiệp Bàu Bàng.

Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa đi qua địa phận tỉnh Bình Dương khoảng hơn 31 km. Dự án đã dừng giãn tiến độ theo Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 của Chính phủ.

Hiện Bộ Giao thông vận tải đã bố trí đủ vốn, đang lập dự án để tiếp tục triển khai đầu tư.

Hiện nay dự án đang thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý I/2023 và khởi công dự án trong quý IV năm 2023, hoàn thành năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ đã giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường Vành đai 4 qua địa bàn từng tỉnh, trong đó UBND tỉnh Bình Dương thực hiện đoạn cầu Thủ Biên – Sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 49 km.

Ngày 15/01/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về Dự án đường Vành đai 3 và Vành đai 4 TPHCM, trong đó chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu đường vành đai 4 theo phương thức PPP.

Đồng thời, Thủ tướng giao UBND TPHCM thành lập Tổ công tác nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư 2 dự án này.

Theo báo cáo của tỉnh, hiện nay đã đầu tư 22,64 km; chưa đầu tư 25,66 km, tỉnh sẽ lập dự án thực hiện phân kỳ 2 giai đoạn.

Tại các điểm đến kiểm tra, khảo sát, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây đều là những dự án hạ tầng quan trọng kết nối tỉnh Bình Dương với khu vực Đông Nam Bộ, các khu vực lân cận, cả nước và với các cửa ngõ đi ra quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Bình Dương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành và địa phương liên quan đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục, triển khai đầu tư các dự án, vì dự án hoàn thành đi vào sử dụng sớm ngày nào thì góp phần phát triển kinh tế-xã hội ngày đó.

Thủ tướng thị sát dự án tuyến Vành đai 3 TPHCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng thị sát dự án tuyến Vành đai 3 TPHCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, nhất là đầu tư theo hình thức công tư song đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, với phương châm "lợi ích hài hòa, rủi ro, khó khăn chia sẻ".

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, tỉnh Bình Dương phải tổ chức giải phóng mặt bằng sớm. Trong đó, dành quỹ đất, chuẩn bị hạ tầng tái định cư, sinh kế cho người dân đảm bảo tốt hơn, ít nhất là bằng với nơi ở cũ và phấn đấu năm sau tốt hơn năm trước.

Đối với các tuyến giao thông cần nghiên cứu, xem xét mở các nút giao phù hợp để mở rộng, khai thác không gian phát triển mới. Tuy nhiên, phải tận dụng quỹ đất có vị trí thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, tạo của cải vật chất bền vững, lâu dài; không nên chỉ phát triển bất động sản nhà ở đơn thuần.

* Sáng cùng ngày, Thủ tướng đã khảo sát dự án xây dựng mở rộng Nhà máy của Công ty THNN PaiHong tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, trao đổi với đại diện nhà đầu tư và nhà thầu.

Thủ tướng đề nghị các bên liên quan bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, an toàn lao động và đời sống công nhân; phát triển nhà máy theo hướng nâng cao tỷ lệ nội địa hoa, công nghệ cao, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng khu công nghiệp Bàu Bàng theo hướng "4 trong 1" (công nghiệp, dịch vụ, công nghệ cao và đô thị), phát triển bền vững.

Thủ tướng cũng trao đổi với nhà đầu tư về môi trường đầu tư, những thuận lợi và khó khăn trong triển khai dự án. Nhà đầu tư đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam, song cho biết có khó khăn trong thu hút lao động tại khu vực. Về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng để thu hút lao động, nhà đầu tư cần phối hợp với chính quyền, các cơ quan liên quan phát triển nhà ở công nhân với giá cả phù hợp, nâng cao thu nhập của công nhân với các biện pháp ứng dụng công nghệ, cải tiến quy trình… để tăng năng suất lao động, đồng thời quan tâm tới hạ tầng y tế giáo dục và thiết chế văn hóa… để công nhân yên tâm làm việc.

Nhấn mạnh quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư tiếp tục góp ý, hiến kế để Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, "nói thật nói hết" các vấn đề trên tinh thần xây dựng, cùng nhau tháo gỡ, tiếp tục giới thiệu thêm các nhà đầu tư mới tới Việt Nam.

Thủ tướng khảo sát dự án xây dựng mở rộng Nhà máy của Công ty THNN PaiHong tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, thăm hỏi động viên công nhân thi công trên công trường - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng khảo sát dự án xây dựng mở rộng Nhà máy của Công ty THNN PaiHong tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, thăm hỏi động viên công nhân thi công trên công trường - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

* Cũng trong sáng nay, ngoài chương trình dự kiến, Thủ tướng đã tới kiểm tra, khảo sát dự án Bệnh viện Đa Khoa Bình Dương mới tại thành phố Thủ Dầu Một, quy mô 1.500 giường với vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.

Dự án khởi công năm 2014 nhưng tới nay chưa hoàn thành, thời gian thi công đã kéo dài 1,5 lần so với dự kiến. Nguyên nhân chủ yếu là do chia nhỏ dự án, thiếu tổng thầu, chuẩn bị đầu tư không tốt nên khi thực hiện phát sinh nhiều vấn đề, gây lãng phí nguồn lực và thời gian...

Thủ tướng cho biết việc khảo sát thực tiễn nhằm nắm bắt khó khăn trong thực tiễn, tháo gỡ, thúc đẩy dự án sớm hoàn thành và rút kinh nghiệm cho các dự án khác trên cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chuẩn bị đầu tư tốt; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phải có tổng thầu xây lắp và lựa chọn nhà thầu đúng; triển khai đồng bộ cả thi công xây lắp, chuẩn bị thiết bị và nhân lực, cơ chế vận hành (bệnh viện có tự chủ hay không)...

Thủ tướng gợi ý một số nội dung để sớm có trang thiết bị y tế cho dự án, như có thể rà soát trang thiết bị từ các bệnh viện khác để bố trí sử dụng cho dự án này, cố gắng đưa bệnh viện vào sử dụng trong năm 2023, trên tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân lên trên hết, trước hết và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực./.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.