Theo đó, Thủ tướng giao các Bộ lập 39 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong các lĩnh vực: Kết cầu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng
sinh học.Trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng có 27 quy hoạch như: Quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, cảng hàng không, sân bay; Quy hoạch tổng thể về năng lượng; Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội; Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế... do các Bộ: Giao thông vận tải, Tài Nguyên và Môi trường, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Xây dựng tổ chức lập.
Trong sử dụng tài nguyên, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an được giao nhiệm vụ lập 10 quy hoạch như Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lâm nghiệp...
Quy hoạch bảo vệ môi trường và Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường lập.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ được giao nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch, tổ chức lập Quy hoạch ngành quốc gia theo đúng quy định của Luật Quy hoạch và văn bản hướng dẫn thi hành, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong quá trình tổ chức lập Quy hoạch ngành quốc gia, nhằm đảm bảo tính thống nhất của quy hoạch ngành quốc gia với các quy hoạch cấp quốc gia quy định tại Luật Quy hoạch.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ