Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thủ tướng định hướng "tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới" cho phát triển Đông Nam Bộ

PV - 16:20, 26/11/2022

Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian phân tích sâu về "tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới" giúp khu vực Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và xúc tiến đầu tư vùng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và xúc tiến đầu tư vùng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 26/11, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và xúc tiến đầu tư vùng.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, lãnh đạo một số bộ, ngành, các địa phương vùng Đông Nam Bộ, đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, đối tác phát triển, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Gỡ các nút thắt cho sự phát triển Đông Nam Bộ

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, phát triển đô thị vẫn luôn được coi là động lực của phát triển kinh tế-xã hội. Vùng Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục tăng về số lượng đô thị, như đến năm 2025 dự kiến thêm 10 đô thị và đến năm 2030 tăng thêm 20 đô thị và nhiều đô thị tiếp tục hoàn thiện chất lượng để nâng loại đô thị trong giai đoạn tới.

"Để gỡ những "nút thắt" giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng góp ý.

Dự báo đến năm 2030 cho thấy vùng Đông Nam Bộ có nhu cầu vận tải vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại.

Các quốc lộ chính yếu (QL1, QL13, QL51, QL22, QL14) có nhiều đoạn đã đầy tải, hiện chỉ mới đưa vào khai thác 95 km/911 km cao tốc theo quy hoạch.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ là khoảng 413.000 tỷ đồng. Mục tiêu là nâng tổng số km đường bộ cao tốc vùng là 772 km trong giai đoạn 2021- 2030. Ông Nguyễn Văn Thắng góp ý, cần có cơ chế, chính sách sáng tạo, đột phá trong huy động vốn tư nhân, các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.

Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề xuất hình thành Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng với nguồn vốn hỗn hợp (kêu gọi tài trợ quốc tế, vốn Trung ương, vốn địa phương theo khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương).

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu phát triển mạng lưới đường sắt kết nối Vùng theo mô hình T.O.D. (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng). TP. Hồ Chí Minh đang báo cáo với cơ quan thẩm quyền và khi có nghị quyết chính thức thì sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế đặc thù để phát triển TP. Hồ Chí Minh, góp phần phát triển Vùng Đông Nam Bộ.

Bày tỏ mong muốn các địa phương phối hợp đề xuất các chương trình hợp tác phát triển hạ tầng chung, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, tỉnh đã chủ động triển khai một số công việc cần thiết như: Tổ chức lập quy hoạch và triển khai các thủ tục kêu gọi đầu tư Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với diện tích hơn 1.686 ha; hiện nay đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cần giải quyết các mâu thuẫn

Bày tỏ ấn tượng khi chứng kiến hội trường sức chứa 700 chỗ ngồi chật kín người, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, "Đây là tín hiệu đáng mừng vì các vị đại biểu quan tâm đến hội nghị, mang đến không khí chân thành, cởi mởi, trách nhiệm với phát biểu thể hiện hiểu biết sâu sắc đối với vùng kinh tế quan trọng này, gợi mở nhiều ý tưởng hay, góp ý nhiều vấn đề để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức".

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vùng có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ. Và thời gian qua, Vùng có đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước. "Có được thành quả này là do sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vào cuộc của nhân dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đóng góp của doanh nghiệp, người dân", Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, còn nhiều việc phải làm, nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Thủ tướng nêu rõ, đó là các mâu thuẫn cần được giải quyết, trong đó mâu thuẫn lớn nhất là tiềm năng rất lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp.

Kết nối hạ tầng chiến lược, đồng bộ chưa hiệu quả, đầy đủ, toàn diện. Huy động nguồn lực chủ yếu dựa vào Nhà nước, chưa phát huy được các cơ chế hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao "chưa ngang tầm với vai trò, vị thế của vùng, chưa ngang tầm với yêu cầu của sự phát triển, với mong muốn của chúng ta". Phát triển văn hoá chưa theo kịp phát triển về chính trị, kinh tế, xã hội.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, vùng còn đối diện nhiều thách thức, lớn nhất là phát triển chưa bền vững, trong đó có phát triển đô thị, ùn tắc giao thông, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, úng ngập.

Thách thức nữa là ô nhiễm môi trường, phân hoá giàu nghèo, an sinh xã hội.

Thủ tướng cho biết, chương trình hành động đã nêu rõ mục tiêu phấn đấu phát triển vùng năng động nhất này để đóng góp nhiều nhất cho đất nước trên các lĩnh vực, trong đó có GDP, "cả nước vì vùng, vùng vì cả nước".

Mục tiêu nữa là ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Có ổn định thì mới có phát triển, trật tự an toàn xã hội tốt thì người dân, doanh nghiệp mới yên tâm làm ăn, sản xuất kinh doanh. Song song với đó là quan tâm an sinh xã hội đầy đủ hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, "phát triển phải nhanh, hài hòa, bao trùm, tổng thể và bền vững". Để làm điều này, cần dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ, bản lĩnh và cả tính nghệ thuật.

Thủ tướng và các đại biểu chứng kiến trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng và các đại biểu chứng kiến trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tư duy mới về phát huy nội lực

Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, tựu trung trong 9 chữ "tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới".

Phân tích cụ thể hơn, theo Thủ tướng, tư duy mới là tư duy tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại, dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài. Nội lực là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hoá, tinh thần đoàn kết…, từ đó, chúng ta có những sản phẩm không chỉ là "Made in Vietnam, by Vietnam". "Sản phẩm của chúng ta phải là trí tuệ, năng lực, bản lĩnh của con người Việt Nam", Thủ tướng nói rõ về tư duy tự lực, tự cường.

Tư duy mới là phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Tư duy mới là biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.

Bên cạnh đó, nội lực cần kết hợp với ngoại lực (là vốn, công nghệ, quản lý, thể chế…), sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, kết hợp sức mạnh doanh nghiệp trong nước với ngoài nước.

Bởi có những vấn đề chúng ta đang gặp phải như chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh mạng… mà không thể một mình giải quyết. Những vấn đề toàn cầu cần có tư duy, cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi đoàn kết quốc tế.

Các vấn đề hiện nay tác động đến toàn dân nên tư duy đổi mới là phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể. Mọi chính sách hướng đến người dân và người dân phải tham gia xây dựng chính sách, thực thi chính sách với tinh thần dân chủ, công bằng, bình đẳng.

Thủ tướng cùng các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về vùng Đông Nam Bộ trước Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng cùng các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về vùng Đông Nam Bộ trước Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đột phá mới về huy động nguồn lực

Làm rõ nội hàm về "đột phá mới", Thủ tướng cho rằng, đó là cách thức, phương thức huy động các nguồn lực.

Nguồn lực hiện có so với một đất nước 100 triệu dân, so với yêu cầu cuộc sống, mặt bằng chung của thế giới còn thấp. Là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi thì phải huy động nguồn lực bằng nhiều phương thức, cách làm khác nhau. Do đó, phải có cơ chế chính sách đột phá, đây cũng chính là nguồn lực.

Nhắc lại các cuộc làm việc với địa phương thời gian qua, Thủ tướng cho biết, trước các kiến nghị của địa phương về hỗ trợ nguồn vốn, ông đều nêu rõ, nguồn lực đã được phân bổ hết, để có thêm vốn, ngoài dựa vào khoản tăng thu, tiết kiệm chi thì cơ chế, chính sách chính là nguồn lực. Cơ chế, chính sách đó phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, cơ chế, chính sách phải ổn định.

"Trong quá trình triển khai, các địa phương, doanh nghiệp vướng gì, cần đề xuất rõ, luật nào, nghị định nào bị vướng, từ đó, phân cấp để xử lý", Thủ tướng nói.

Về huy động nguồn lực từ hợp tác công tư, Thủ tướng gợi ý 3 mô hình hợp tác công tư. Một là lãnh đạo công, quản trị tư các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Lãnh đạo công là xây dựng cơ chế, chính sách, luật pháp, phát triển hạ tầng đến chân các khu này, còn quản trị tư là giao cho tư nhân quản trị. Thứ hai là đầu tư công, quản trị tư. Thứ 3, đầu tư tư, sử dụng công.

Nêu rõ bài học "hợp tác công tư có nhiều hình thức, chúng ta phải sáng tạo, năng động, phải quyết tâm làm", Thủ tướng lấy ví dụ, thời gian vừa qua, có tỉnh làm được 200 km cao tốc nhưng cả vùng Đông Nam Bộ trong 10 năm qua chỉ làm được 50 km cao tốc,"đây là vấn đề mà các đồng chí cần suy nghĩ, không ai làm thay chúng ta được".

Thủ tướng tán thành với ý kiến xây dựng trung tâm tài chính trong vùng để huy động nguồn lực hay Quỹ phát triển hạ tầng như đề xuất của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh. Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu triển khai.

Thủ tướng cũng nêu rõ đột phá mới về khoa học, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo, phong trào lập nghiệp, tăng năng suất lao động phải trở thành xu thế phát triển. Phát triển văn hoá, giáo dục, y tế cần ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị. Phát huy tối đa yếu tố con người Việt Nam là trí tuệ, năng lực, phẩm chất đạo đức để phát triển.

Đột phá về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, "coi việc của doanh nghiệp như việc của nhà mình, của chính quyền hằng ngày" với mục tiêu làm cho cuộc sống của người dân ấm no, hạnh phúc. Theo đó, phải đơn giản hoá thủ tục hành chính, chính sách phải ổn định, phải hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Đột phá nữa, theo Thủ tướng, là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhà ở cho công nhân, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp, chăm lo người có công với cách mạng.

Thủ tướng tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm có thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm có thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Giá trị mới về tốc độ tăng trưởng

Làm rõ nội hàm "giá trị mới", Thủ tướng cho biết, vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người của vùng đã giảm so với các vùng khác. "Giá trị mới là mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, giá trị đóng góp cho GDP cao hơn".

Thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người phải cao hơn, ngang tầm khu vực, các nước phát triển. Hạ tầng kết nối vùng, cả nước, khu vực cũng như quốc tế phải tốt nhất. Phải khắc phục bằng được những vấn đề tồn tại mà người dân bức xúc như vấn về biến đổi khí hậu, môi trường.

Giá trị mới nữa là chuyển đổi số, phát triển xanh, bền vững, bao trùm, tiêu biểu cả nước, góp phần vào thực hiện cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, làm hình mẫu cho các vùng khác.

Giá trị mới lớn nhất của vùng là góp phần quan trọng, đắc lực, hiệu quả vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, Thủ tướng nêu rõ.

Với khí thế mới, động lực mới, tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng vùng Đông Nam Bộ sẽ triển khai thành công Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, đạt nhiều thành quả, khẳng định Chương trình hành động của Chính phủ là đúng, trúng, mang lại hiệu quả.

Nhân dịp này, nhắn nhủ với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, đã nói thì phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có hiệu quả. Hiệu quả là phải hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, với phương châm lợi ích hài hoà, khó khăn, rủi ro chia sẻ.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã chứng kiến trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác phát triển; trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ cho các địa phương trong Vùng và vùng Đông Nam Bộ./

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.